ThS.BS. Trịnh Ngọc Anh
1.Thế nào là bệnh Basedow?
Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves) là bệnh lý cường chức năng tuyến giáp do nguyên nhân tự miễn.
Đây là một bệnh lý phổ biến trong các bệnh nội khoa nói chung và là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường chức năng tuyến giáp.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở phụ nữ, lứa tuổi sinh đẻ (20-40 tuổi).
Ở một số nước phương Tây, tỷ lệ người mắc bệnh khoảng 0.02-0.4% dân số. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh khá cao, chiếm 10-39% những người có bướu giáp tới khám bệnh.
Bệnh nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng tới đời sống và hoạt động thể lực của người bệnh và có thể dẫn tới một số biến chứng như suy tim, suy kiệt, lồi mắt nặng hay nguy hiểm nhất là cơn bão giáp có thể dẫn tới tử vong.
2.Nguyên nhân nào gây ra bệnh Basedow?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ trước bao gồm 2 thùy nối với nhau bởi 1 eo. Đây là một tuyến nội tiết có vai trò quan trọng bài tiết ra 2 loại hormon là Tri-iodothyronin (T3) và Tetra-iodothyronin (T4) có vai trò làm tăng cường chuyển hóa và phát triển cơ thể.
Bình thường tuyến giáp hoạt động dưới sự chỉ huy của tuyến yên. Tuyến yên bài tiết một hormon là Thyroid stimulating hormon (TSH) có tác dụng kích thích tuyến giáp sản xuất và bài tiết hormon.
Cơ thể chúng ta bình thường, các bạch cầu sản xuất ra các protein gọi là kháng thể có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của tế bào lạ (vi khuẩn, virus). Trong các bệnh tự miễn, cơ thể sản xuất ra các tự kháng thể chống lại tế bào của chính bản thân cơ thể người bệnh. Trong trường hợp bệnh Basedow, cơ thể sản xuất một loại tự kháng thể gọi là Thyrotropin receptor antibody (TRAb) có khả năng gắn lên receptor của TSH tại tế bào tuyến giáp để kích thích tuyến giáp tăng cường sản xuất và bài tiết T3, T4 gây biểu hiện cường chức năng tuyến giáp ở người bệnh.
Tự kháng thể này không chỉ tác động lên tuyến giáp mà còn gây ảnh hưởng lên một số cơ quan khác trong cơ thể như mắt (gây bệnh mắt Basedow), da (gây tổn thương da do Basedow).
Hiện vẫn chưa rõ cơ chế tại sao cơ thể lại sinh ra tự kháng thể nói trên, tuy nhiên đây có thể là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp lại như di truyền, tuổi, giới tính, stress…
Basedow là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp lại như di truyền, tuổi, giới tính, stress…
3.Làm thế nào để nhận biết một người bị bệnh Basedow?
Bệnh Basedow trong trường hợp điển hình thường tương đối dễ nhận biết với các biểu hiện cường chức năng tuyến giáp, bướu giáp, biểu hiện mắt và phù niêm trước xương chày.
3.1 Các biểu hiện của cường chức năng tuyến giáp:
- Người bệnh thường giảm sút hoạt động thể lực, dễ bị mệt, thấy tim đập nhanh thường xuyên hoặc có thể bị rối loạn nhịp tim, hay hồi hộp đánh trống ngực
- Cơ thể vã mồ hôi thường xuyên, da trở nên mịn và ẩm, kém chịu đựng thời tiết nóng
- Ăn nhiều, ngon miệng nhưng không tăng cân mà thậm chí còn gầy sút cân
- Hay thấy sôi bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày
- Thay đổi tính tình, hay cáu gắt, bồn chồn, lo lắng, có cơn bốc hỏa.
- Kích thích, khó ngủ gây mất ngủ kéo dài
- Run ở đầu các ngón tay
- Teo cơ và yếu cơ vùng đùi
- Nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục.
- Nữ giới bị bệnh có thể có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh
Các biểu hiện trên tăng lên nhiều khi người bệnh xúc động hoặc phải gắng sức
3.2 Các biểu hiện về mắt trong Basedow:
- Người bệnh hay thấy cộm, chảy nước mắt, có cảm giác như bụi bay vào mắt gây nóng rát
- 2 mắt lồi, trường hợp nặng 2 mắt có thể không nhắm kín
- Nếu không được điều trị tốt có thể dẫn tới viêm loét giác mạc gây mù lòa cho người bệnh
3.3 Bướu giáp:
- Người bệnh bị Basedow thường đi khám vì tự sờ thấy bướu to ra ở vùng cổ
- Bướu giáp trong bệnh Basedow thường to đều, lan tỏa cả 2 bên cổ, ít khi gây chèn ép
- Khi sờ vào bướu có thể thấy tiếng rung do tăng dòng máu vào bướu giáp
3.4 Phù niêm trước xương chày:
- Da vùng cẳng chân có thể bị sùi lên từng mảng màu da cam tuy nhiên đây là biểu hiện hiếm gặp của bệnh.
4.Làm thế nào để chẩn đoán bệnh Basedow?
Người bệnh nên đi khám phát hiện Basedow ngay khi có một vài các dấu hiệu nói trên: hay hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, tim đập nhanh thường xuyên, có bướu cổ to, lồi mắt…
Bệnh Basedow thường dễ dàng chẩn đoán nếu có đầy đủ các triệu chứng điển hình nói trên.
Trong trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh:
- Định lượng các hormon: T3, T4 trong máu thường tăng cao trong khi TSH trong máu lại giảm nhiều
- Định lượng kháng thể kháng thụ thể TSH: TRAb trong máu tăng
- Siêu âm tuyến giáp: tuyến giáp to lan tỏa, giảm âm đồng đều 2 thùy, có thể thấy dấu hiệu tăng sinh mạch
- Đo độ tập trung và ghi xạ hình tuyến giáp với iod phóng xạ: thường thấy tuyến giáp tăng bắt iod phóng xạ đồng đều lan tỏa cả 2 thùy
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định một số xét nghiệm khác để giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh:
- Ghi điện tim: tìm các rối loạn nhịp tim
- Siêu âm tim: đánh giá chức năng tim
- Đo đường huyết: đánh giá các rối loạn dung nạp đường kèm theo
- Điện giải máu: đánh giá hạ Kali máu hay gặp trong Basedow
- Làm các xét nghiệm men gan, chức năng thận, công thức máu của người bệnh liên quan tới lựa chọn cách thức điều trị
5. Bệnh Basedow cần điều trị như thế nào?
Basedow là bệnh lý không lây và bệnh có thể được kiểm soát bằng 1 trong 3 phương pháp: dùng thuốc, uống iod phóng xạ hay phẫu thuật. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần biết những lưu ý về chế độ ăn và luyện tập, nghỉ ngơi giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
5.1 Các lưu ý về chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho bệnh nhân Basedow:
- Người bệnh bị Basedow cần được nghỉ ngơi (nhất là khi bệnh đang tiến triển nặng), tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng
- Nên để người bệnh nằm trong phòng yên tĩnh, tránh các tiếng ồn, hạn chế người qua lại vào thăm nhiều
- Cơ thể người bệnh bị Basedow thường dễ bị gầy sút, suy kiệt nên cần khuyến khích ăn chế độ ăn giàu đạm, giàu calo, uống thêm nhiều nước.
- Do iod là nguyên liệu để tuyến giáp sử dụng tổng hợp hormon do đó người bệnh Basedow nên hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều iod như hải sản, rong biển…
- Vệ sinh thân thể hàng ngày để tránh nhiễm trùng da
5.2 Điều trị Basedow bằng thuốc:
- Thuốc kháng giáp trạng: bao gồm 2 nhóm là Thiouracil (PTU, Basedene) và Methimazole (Thyrozol, Neomecarzole…). Các thuốc này có tác dụng làm tuyến giáp giảm sản xuất hormon. Thời gian dùng thuốc với người bệnh phải kéo dài ít nhất 1 năm, bệnh có thể khỏi kéo dài nhưng cũng có thể tái phát, thời gian điều trị càng ngắn càng dễ tái phát. Một điều cần lưu ý là các thuốc kháng giáp trạng có thể gây ra các tai biến nguy hiểm như giảm bạch cầu hạt (là tế bào trong máu có vai trò bảo vệ cơ thể) và nhiễm độc với gan; chính vì vậy, người bệnh khi dùng thuốc kháng giáp trạng phải được theo dõi định kỳ hàng tháng tại cơ quan y tế và phải tới gặp bác sĩ ngay khi dùng thuốc mà có các biểu hiện như mệt nhiều, sốt cao, đau rát họng, vàng mắt…
- Các bác sĩ cũng có thể cho người bệnh dùng thêm một số thuốc để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng như:
+ Thuốc chẹn beta giao cảm: để làm giảm nhịp tim nhanh, run tay
+ Thuốc an thần giúp người bệnh đỡ bị kích thích và dễ ngủ
+ Các vitamin và khoáng chất (như Kali)
5.3 Điều trị Basedow bằng uống iod phóng xạ:
- Đây là phương pháp đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1978 và được áp dụng tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh hiện nay.
- Người bệnh khi uống iod phóng xạ, chất này vào cơ thể sẽ phá hủy các tế bào tuyến giáp làm giảm khả năng tổng hợp hormon giúp cải thiện bệnh
- Phương pháp này đơn giản, có hiệu quả giúp người bệnh tránh được tác dụng phụ của thuốc kháng giáp trạng và phẫu thuật tuy nhiên, việc sử dụng iod phóng xạ có thể gây ra suy chức năng tuyến giáp cho người bệnh về sau, có thể gây quái thai và khối u (không nên dùng trên trẻ em và phụ nữ có thai) và có thể làm nặng thêm các biểu hiện ở mắt (như lồi mắt nặng hơn). Chính vì vậy, chúng tôi thường chỉ lựa chọn điều trị iod phóng xạ cho các trường hợp nặng, không thể điều trị được bằng thuốc kháng giáp trạng.
5.4 Điều trị Basedow bằng phẫu thuật:
- Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ một phần tuyến giáp, chỉ giữ lại một phần nhỏ để duy trì chức năng sản xuất hormon
- Phẫu thuật là biện pháp điều trị có hiệu quả giúp giải quyết được những bướu giáp quá to, phục hồi lại thẩm mỹ cho người bệnh tuy nhiên biện pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: suy chức năng tuyến giáp và tuyến cận giáp (một tuyến nội tiết giúp cơ thể duy trì can-xi máu bình thường) gây giảm can-xi trong máu, ảnh hưởng tới phát âm của người bệnh. Do đó, chúng tôi thường chỉ định phẫu thuật điều trị Basedow cho các bệnh nhân có bướu giáp quá to, nghi ngờ ung thư tuyến giáp hay các bệnh nhân nặng không thể điều trị bằng thuốc và iod phóng xạ.
6. Làm thế nào để phòng tránh bệnh Basedow?
- Basedow là bệnh lý hiện chưa rõ nguyên nhân sinh bệnh nên chưa có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa xuất hiện bệnh
- Đối với những người đã bị Basedow, để tránh bệnh tái phát hay tiến triển nặng thêm cần thực hiện những biện pháp sau:
+ Tránh hoạt động thể lực nặng kéo dài
+ Tránh các căng thẳng thần kinh, stress
+ Không hút thuốc, tránh hít phải khói thuốc lá
+ Luôn đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày
+ Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod
+ Thai sản có thể làm bệnh nặng thêm do đó cần điều trị dứt điểm bệnh trước khi mang thai
+ Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo hẹn của bác sĩ