10 dấu hiệu tố cáo bạn đang mắc bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường còn được biết đến với cái tên “sát thủ thầm lặng”, vì bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng để giúp chẩn đoán xác định.

ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hoá được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết, hậu quả của thiếu hụt tiết insulin, bất thường trong hoạt động của insulin hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính đi kèm với tổn thương lâu dài các cơ quan như: mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các biến chứng của ĐTĐ (nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS và chỉ đứng sau các bệnh tim mạch). Bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và để lại nhiều hậu quả như suy thận, mù loà, tàn tật,… gây nhiều tốn kém kinh tế cho gia đình và xã hội.

Vậy làm sao để biết bạn có bị tiểu đường hay không? 10 dấu hiệu sau đây sẽ tố cáo căn bệnh đái tháo đường tiềm tàng trong cơ thể bạn.

  1. Tiểu thường xuyên

Dấu hiệu này có thể xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước hoặc bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên nếu không phải các nguyên nhân trên mà bạn đi tiểu nhiều bất thường thì đừng chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu của đái tháo đường. Thận phải làm việc nhiều hơn để thải lượng đường ra khỏi cơ thể.

  1. Hay có cảm giác khát

Khi bạn đi tiểu thường xuyên, cơ thể sẽ dần mất nước khiến bạn cảm thấy khát nước.

  1. Đói cồn cào

Thiếu hụt Insulin trong cơ thể khiến đường trong máu không thể đi vào tế bào và chuyển hóa thành năng lượng. Cơ thể bạn sẽ tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế khiến bạn luôn có cảm giác đói.

  1. Giảm thị lực

Mắt là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở các bệnh nhân đái tháo đường. Lượng đường máu tăng cao khiến bệnh nhân có cảm giác nhìn mờ, nếu không kiểm soát được bệnh có thể gây nên giảm thị lực hoàn toàn.

  1. Tê bì tay chân

Đái tháo đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ thần kinh. Tê bì tay chân, ngứa và thường kèm theo đau đớn, sưng viêm tay chân có thể xảy ra nhiều lần và thường xuyên ở bệnh nhân đái tháo đường.
Nếu vấn đề không được kiểm soát thì có thể gây nên các tổn thương thần kinh vĩnh viễn và một số rối loạn nghiêm trọng khác.

  1. Miệng khô

Nếu bạn luôn cảm thấy khô miệng thì hãy cẩn trọng bởi ngoài dấu hiệu cơ thể mất nước thì đây cũng chính là một biểu hiện của bệnh đái tháo đường type 2. Những thay đổi về da là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng lợi.

  1. Nhiễm trùng

Vi khuẩn, nấm và các loại virus phát triển khá tốt  trong môi trường có lượng đường cao, do đó người mắc bệnh tiểu đường thường có biểu hiện bị nhiễm trùng. Nấm ngoài da, nấm âm đạo candida, nhiễm trùng đường tiết niệu là các dấu hiệu thường thấy ở các bệnh nhân đái tháo đường.

  1. Mệt mỏi

Nếu cơ thể bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và có thể dẫn đến mãn tính là biểu hiện không thể bỏ qua dù là trong trường hợp nào. Khi đã mắc đái tháo đường, tế bào cơ thể rất khó hập thụ glucose gây nên sự thiếu hụt năng lượng trong cơ thể, khiến bệnh nhân cảm thấy mệ mỏi thường xuyên và vấn đề sẽ trầm trọng hơn nhiều nếu kèm theo đi tiểu đêm.

  1. Lâu liền sẹo

Khi lượng đường trong máu tăng cao gây nên tổn thương ở các tĩnh mạch, động mạch. Điều này khiến giảm khả năng vận chuyển máu đến các tế bào gây nên tình trạng lâu lành vết thương.

  1. Tăng giảm cân nặng mà không rõ lý do

Tăng giảm cân không rõ lý do có thể đến từ nguyên nhân không có khả năng sử dụng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi glucose bị ngăn cản đi vào các tế bào, cơ thể sẽ sử dụng protein tại các cơ khác để bù đắp năng lượng.

Do cơ thể mất khả năng hấp thụ Glucose và đi tiểu thường xuyên nên bệnh nhân đái tháo đường (thường là type 1) dễ bị sụt cân nhanh chóng,. Một số trường hợp khác gây phản ứng ngược lại, khiến người bệnh thèm ăn (thường là đồ ăn ngọt) và gây nên tăng cân.

 

Trên đây là 10 dấu hiệu tố cáo cơ thể bạn có khả năng đang mắc phải đái tháo đường. Nếu bạn đang ở 1 trong những trường hợp trên thì đừng chủ quan với “sát thủ thầm lặng”.

Liên hệ để được tư vấn miễn phí hoặc đặt lịch khám ngay hôm nay!