Trong nhiều năm điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý chuyên khoa nội tiết đặc biệt là bệnh lý tuyến giáp, chúng tôi thường gặp và điều trị nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh basedow. Nhiều bệnh nhân lo lắng cho sức khỏe của con nên đã bỏ thuốc uống trong thời gian mang thai. Nhiều bệnh nhân lo khi uống thuốc chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nhiều bệnh nhân thì quyết định đi phá thai khi biết tin mắc căn bệnh này. Như vậy căn bệnh này có thực sự nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con không? Thái độ điều trị căn bệnh này thế nào trong thời gian mang thai? Có nên đi phá thai khi phát hiện bệnh này không? Bài viết của chúng tôi sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc.

  1. Bệnh basedow khi mang thai thường có biểu hiện như thế nào?

Bệnh nhân mắc bệnh cường giáp thường có biểu hiện sụt cân, mất tập trung, hồi hộp lo lắng, dễ cáu giận. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những biểu hiện khác như run chân tay, cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh. Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh vì thấy con không tăng hoặc chậm tăng cân. Những biểu hiện này có thể bỏ sót vì thường nhầm lẫn với tình trạng ốm nghén khi xuất hiện trong 3 tháng đầu.

  1. Có nên bỏ thuốc điều trị bệnh cường giáp khi mang thai?

Bệnh cường giáp không được kiểm soát tốt trong thời gian mang thai có thể gây ra nhiều hậu quả cho cả mẹ và con. Những biến chứng có thể gặp đối với mẹ là: suy tim xung huyết, rối loạn nhịp tim,nhiễm trùng, cơn bão giáp trạng, tiền sản giật, sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Bệnh cường giáp cũng có thể ảnh hưởng đối với con như nhẹ cân, chết chu sinh, gây bướu giáp và cường giáp ở trẻ.

  1. Có nên phá thai khi mắc bệnh basedow?

Căn bệnh này không phải là một chỉ định hay là một khuyến cáo bắt buộc phá thai. Nếu bạn không chủ quan, nếu bạn điều trị và theo dõi bệnh thường xuyên, con bạn sinh ra vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.

  1. Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp điều trị bệnh basedow có ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi? Có gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ?

Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp đều đi qua hàng rào nhau thai. Nếu bạn chủ quan không theo dõi bệnh thường xuyên dẫn tới tình trạng dùng thuốc quá liều có thể dẫn tới suy giáp trạng ở trẻ. Khi bạn đang mang thai , bác sỹ sẽ tìm cho bạn liều thuốc thấp nhất để điều trị. Thông thường nồng độ hocmon giáp của bạn sẽ được duy trì ở ngưỡng cao hơn bình thường một chút. Ở ngưỡng này, mẹ và bé sẽ phát triển bình thường và liều thuốc kháng giáp trạng không cao sẽ không tác động đến trẻ.

Hiện nay, các bằng chứng khoa học đều ghi nhận thuốc kháng giáp trạng tổng hợp hiếm khi gây dị tật bẩm sinh. Một số bệnh có thể do thuốc kháng giáp trạng gây ra như chứng bất sản da (aplasia cutis), hẹp lỗ mũi sau ( choanal atresia), hẹp thực quản ( oesophagus etresia) đều rất hiếm gặp.

  1. Theo dõi bệnh basedow như thế nào trong thời gian mang thai

Do bệnh này cần được theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều thuốc thường xuyên trong thời gian mang thai cho nên bạn cần phải tuân thủ theo khuyến cáo của bác sỹ về liều thuốc cũng như thời gian tái khám. Giai đoạn khởi trị có thể bạn cần phải đi khám 1 tuần/ lần. Giai đoan ổn định bạn cần phải tái khám 2-4 tuần/ lần.

Ths.Bs Lê Bá Ngọc

Khoa Nội Tiết – BV Bạch Mai