Insulin là tên một loại hocmon được sản sinh trong tuyến tụy. Insulin là chiếc chìa khóa thần kỳ có tác dụng vận chuyển glucose từ trong máu vào trong các tế bào, từ đó chuyển hóa thành năng lượng giúp cho cơ thể hoạt động hằng ngày.

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính xẩy ra khi tuỵ không sản sinh đủ insulin cho cơ thể hoặc  các tế bào của cơ thể không sử dụng được insulin cho các hoạt động chuyển hoá. Trong cả hai trường hợp, lượng glucose máu không được hấp thụ sẽ dần tích tụ làm glucose trong máu sẽ ngày càng tăng cao hơn ngưỡng bình thường. Hậu quả của tình trạng tăng glucose máu kéo dài sẽ dẫn tới tổn thương các mô, hệ cơ quan trong cơ thể hay còn gọi là biến chứng của bệnh đái tháo đường như suy thận, mù loà, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, cắt cụt chi…

Bệnh đái tháo đường được chia thành nhiều dạng khác nhau

Bệnh đái tháo đường týp 1 có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở những người trẻ tuổi ( < 30 tuổi). Khi bạn được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường týp 1, tuyến tuỵ của bạn sẽ sản xuất rất ít hoặc không thể sản xuất insulin. Điều này dẫn đến bạn cần phải tiêm insulin hàng ngày để kiểm soát đường máu

Bệnh đái tháo đường týp 2 thường gặp ở những người trưởng thành và người cao tuổi, chiếm tới 90% trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường. Ở người mắc bệnh đái tháo đường týp 2, cơ thể đã không sử dụng tốt insulin cho các hoạt động chuyển hoá hay còn gọi là tình trạng kháng insulin. Nguồn gốc của tình trạng này đến từ lối sống lười vận động, cơ thể bị béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh. Để điều trị bệnh đái tháo đường týp 2, người bệnh cần phải thực hiện thay đổi đổi lối sống, tăng cường các hoạt động thể chất kết hợp với sử dụng các loại thuốc viên hạ đường máu. Một số bệnh nhân có glucose máu tăng quá cao hoặc thời gian mắc bệnh lâu năm vẫn cần phải tiêm insulin mới có thể kiểm soát tốt glucose máu.

Bệnh đái tháo đường thai kì là tình trạng glucose trong máu tăng cao trong giai đoạn mang thai và có thể dẫn tới các biến chứng cho cả mẹ và con. Bệnh thường hết sau giai đoạn sinh nở nhưng người mẹ mắc đái tháo đường thai kì và đứa trẻ có mẹ mắc đái tháo đường thai kì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2

Bệnh đái tháo đường thứ phát là tình trạng glucose trong máu tăng cao ở những người bị viêm tuỵ mạn ( thường do rượu), sau mổ cắt tuỵ hoặc gặp trong một số bệnh nội tiết hiếm gặp khác như u tuyến thượng thận, u tuyến yên…

Ts. Bs. Lê Bá Ngọc