Ths.Bs. Lê Bá Ngọc

Khoa Nội Tiết – BV Bạch Mai

  1. Thế nào là loét bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ ( ĐTĐ) ?

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thường gặp các tổn thương loét ở hai bàn chân, đặc biệt trên những người không hoặc kiểm soát đường huyết (ĐH) kém. Thông thường, các tổn thương loét liền rất nhanh. Tuy nhiên, loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường không những rất khó liền mà còn có thể tiến triển nặng hơn như hoại tử chân, thậm chí khởi phát ban đầu chỉ là những vết thương nhỏ do dẵm phải viên sỏi khi bạn đi chân đất, hoặc do sử dụng giầy dép không đúng.

  1. Tại sao người bệnh ĐTĐ  hay bị loét bàn chân ?

"Thủ phạm" gây các biến chứng ở bệnh nhân ĐTĐ là tình trạng tăng ĐH kéo dài. Loét bàn chân là biến chứng rất hay gặp và do sự phối hợp của các yếu tố sau :

2.1.         Biến chứng thần kinh gây giảm hoặc mất cảm giác nông:

Dây thần kinh của bạn sẽ không thể làm việc như bình thường bởi vì chỉ cần lượng ĐH trong cơ thể bạn tăng nhẹ, theo thời gian, sẽ gây tổn thương các dây thần kinh. Đây là một biến chứng của bệnh ĐTĐ, được gọi là biến chứng thần kinh ngoại vi.

Khi bạn mắc biến chứng này, bạn sẽ không còn cảm nhận được cảm giác đau hoặc cảm giác nóng, lạnh. Như vậy, bạn có thể không biết hoặc không phát hiện ra được bàn chân của mình đã bị tổn thương. Ví dụ : bạn có thể không biết hoặc không phát hiện ra những vết rách trên da khi bạn dẵm phải một vất sắc nhọn hoặc những phỏng rộp khi đi giầy quá chặt. Thêm vào đó, khi mất cảm giác đau, bạn sẽ không bảo vệ được những tổn thương nhỏ này do luôn tì đè nên chúng. Vì vậy, những tổn thương này rất dễ tiến triển nặng và lan rộng hơn

2.2.          Do hệ thống động mạch nuôi dưỡng bàn chân bị tổn thương :

Khi bạn mắc bệnh ĐTĐ, hệ thống động mạch nuôi dưỡng hai chân có nguy cơ bị hẹp hoặc tắc do các mảng xơ vữa được hình thành và gắn vào trong lòng động mạch. Biến chứng này được gọi là bệnh động mạch ngoại vi.

Khi bạn mắc biến chứng này, hai chân của bạn sẽ không được tưới máu và nuôi dưỡng  đầy đủ. Những vết loét trên da sẽ không được cung cấp đủ các chất cần thiết để nhanh chóng làm liền vết thương. Do đó, chỉ cần bạn có một vết loét nhỏ, thời gian làm lành vết thương sẽ bị kéo dài, thậm chí loét có thể trầm trọng hơn nhất là khi có biến chứng thần kinh ngoại vi kèm theo.

  1. Ai có nguy cơ cao bị loét bàn chân ?

          + Người bệnh có biến chứng thần kinh ngoại vi. Biến chứng này ngày càng gia tăng theo thời gian mắc bệnh ĐTĐ và sẽ xuất hiện rất sớm nếu bạn không kiểm soát tốt ĐH. Đây là một trong những lí do quan trọng để giải thích tại sao bạn cần phải kiểm soát thật tổt ĐH.

          + Người bệnh có biến chứng mạch máu ngoại vi. Biến chứng này thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường lâu năm và người cao tuổi, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo phì và ở những bệnh nhân ít vận động

          + Bệnh nhân đã từng bị loét chân

          + Bệnh nhân mắc các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường : biến chứng mắt, biến chứng thận

          + Những bàn chân có nguy cơ loét cao : chai chân, vết xước, vết trượt da, bàn chân biến bị biến dạng như ngón chân hình vuốt, hình búa tạo ra những điểm loét tì đè mới ở đầu các ngón chân, bàn chân Chartcot…

          + Những bệnh nhân đi những loại giầy, dép không phù hợp

  1. Loét bàn chân có nguy hiểm không ?Rất nguy hiểm ! Sau đây là một số thống kê

Thảm họa ‘ qui luật  số 15’ :

+ 15% bệnh nhân ĐTĐ bị loét bàn chân trong suốt thời gian mắc bệnh

+ 15% bệnh nhân loét bàn chân có viêm xương kèm theo

+ 15% bệnh nhân loét bàn chân sẽ bị tàn tật do phải cắt cụt chi

Thảm họa ‘ qui luật số 50’ :

+ 50% bệnh nhân bị cắt cụt cẳng chân hoặc bị cắt ngang đùi

+ 50% bệnh nhân sẽ phải cắt cụt chân lần 2 trong vòng 5 năm

+ 50% bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm

  1. Làm thế nào có thể phòng ngừa được loét bàn chân ?

5.1.     Khám bệnh thường xuyên

Tất cả bệnh nhân ĐTĐ nên đi khám bệnh định kì. Các bác sỹ chuyên khoa Nội tiết – ĐTĐ sẽ khám và phát hiện sớm các biến chứng do bệnh gây ra như biến chứng thần kinh ngoại vi, bệnh động mạch ngoại vi hay phát hiện và điều trị các bàn chân có nguy cơ loét cao.

5.2.     Điều trị tốt bệnh ĐTĐvà các yếu tố nguy cơ khác

Như là một quy luật tất yếu, khi bạn kiểm soát tốt ĐH, bạn ít có nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh đái tháo đường trong đó có biến chứng loét bàn chân. Ngoài ra, bạn cần phải điều trị tốt huyết áp, rối loạn lipid máu, bỏ thuốc lá và giảm cân.

5.3.     Tự chăm sóc và bảo vệ đôi chân của mình

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng người bệnh ĐTĐ biết cách tự chăm sóc và bảo vệ đôi chân của mình sẽ ít có nguy cơ mắc biến chứng loét bàn chân.

Cách chăm sóc bàn chân đúng và hiệu quả bao gồm những việc làm sau:

+ Kiểm tra cẩn thận bàn chân của mình hàng ngày, gồm cả gan bàn chân và giữa các kẽ ngón chân. Nếu bạn không thể tự làm được, hãy nhờ một chiếc gương hỗ trợ hoặc nhờ người thân giúp bạn kiểm tra.

+ Nhìn bàn chân hàng ngày là một việc làm rất quan trọng đặc biệt khi bàn chân của bạn đã bị mất cảm giác. Bạn có thể không phát hiện ra bất kì điều bất thường đến tận khi bạn phát hiện được nó.

+ Nếu bạn phát hiện thấy bất kì điều gì bất thường như vết xước, vết loét, thâm tím, phỏng nước, chảy máu, tấy đỏ, hãy đi khám ngay bác sỹ để được tư vấn và điều trị!

+ Đừng cố gắng tự điều trị, cắt bỏ các chai chân, mụn cơm hoặc các bất thường ở chân. Đặc biệt, không nên sử dụng hóa chất hoặc các thuốc gia truyền để chữa trị. Những công việc này cần phải được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa đã qua đào tạo

+ Sử dụng kem hoặc dầu dưỡng ẩm khi da bạn bị khô để phòng ngừa da bị nứt, rách. Tuy nhiên, không nên bôi ở giữa các kẽ ngón chân, da có thể trở nên quá ẩm, là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển

+ Cắt móng chân vừa vặn theo hình dáng đầu ngón chân. Đừng cắt quá ngắn, cắt sâu xuống hai góc móng hoặc sử dụng vật sắc nhọn để mài dũa xuống sâu phần góc móc. Bạn có thể gây tổn thương da vùng móng hoặc dẫn tới hiện tượng móng phát triển vào trong. Nếu mắt của bạn không nhìn rõ ràng, đừng cố gắng cắt móng chân vì bạn có thể cắt vào da. Hãy nhờ người thân làm giúp bạn công việc này.

+ Rửa chân thường xuyên và lau khô cẩn thận, đặc biệt giữa các kẽ ngón chân

+ Không đi chân đất thậm chí đi trong nhà. Bạn có thể dẵm phải một vật sắc nhọn gây rách da bàn chân

+ Thường xuyên mang tất khi đi giầy, dép. Tuy nhiên, đừng đi tất quá chật vì nó có thể làm ảnh hưởng tới sự lưu thông máu của bàn chân.

+ Lựa chọn giày dép phù hợp:

-         Chọn giày, dép vừa chân, phải tính đến những bàn chân đã bị biến dạng.

-         Phần mũi giày dép đủ rộng

-         Đế giày, dép phải thấp để tránh dồn áp lực lên các ngón chân.

-         Phải có dây buộc, khóa để bàn chân không di chuyển, cọ sát bên trong giầy, dép.

-         Khi mua giầy, dép cần phải đi tất trước khi thử. Không nên mua sandal, giầy nhọn ở đầu mũi, dép xỏ ngón ( dép tông).

+  Phải rũ sạch giầy, dép trước khi đi

+ Tránh bỏng chân: kiểm tra nhiệt độ nước tắm, nước ngâm chân bằng tay hoặc nhờ người thân kiểm tra trước khi tắm hoặc ngâm chân. Không sử dụng chăn điện hoặc sưởi ấm chân bằng lò sưởi.

  1. Phải làm gì nếu đã thực sự bị loét bàn chân?

Bạn nên đến bác sỹ để được điều trị ngay lập tức nếu bạn phát hiện thấy mình đã bị loét chân. Điều trị nhằm mục đích kiểm soát tốt ĐH, thay băng, cắt lọc làm sạch vết thương, giúp vết thương chóng liền bằng các thuốc hỗ trợ tăng hình thành tổ chức hạt, phòng ngừa loét tiến triển và điều trị nhiễm trùng nếu có. Những việc làm này sẽ giúp vết loét  của bạn chóng liền.

  1. Loét bàn chân sẽ được điều trị như thế nào ?

+ Vết loét sẽ được lau rửa thay băng cắt lọc hàng ngày.

+ Bạn có thể phải dùng kháng sinh nếu vết loét có dấu hiện nhiễm trùng.

+ Bạn có thể phải dùng một số thuốc kích thích giúp vết thương chóng lành như yếu tố tăng trưởng biểu bì dạng xịt nếu loét ở mức độ nhẹ hoặc dạng tiêm khi vết loét ở những giai đoạn nặng ( loét sâu rộng).

+ Một số trường hợp có thể phải trích rạch tháo mủ, cắt bỏ các tổ chức cơ, xương đã chết.

+ Một số trường hợp, khi hệ thống mạch máu ngoại biên đã bị hẹp tắc cần phải được  mổ tái thông mạch máu bị tắc.

+ Ngoài ra, bạn sẽ được tư vấn, sử dụng những loại giầy dép đặc biệt nhằm giảm áp lực tì đè cho ổ loét.