TS.BS LÊ BÁ NGỌC

1. Đa số người bệnh đái tháo đường thường phát hiện muộn
Đa số người bệnh khi có những biểu hiện mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đi tiểu nhiều lần mới đi khám bệnh. Ở giai đoạn này, xét nghiệm đường máu thường đã tăng cao, nhiều bệnh nhân đã xuất hiện nhiều biến chứng như đục thuỷ tinh thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, suy thận…
2. Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường sẽ tiết kiệm được chi phí điều trị, phòng ngừa biến chứng của bệnh
- Nếu bệnh ĐTĐ được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ rất đơn giản. Chi phí điều trị bệnh ở giai đoạn sớm rất thấp, người bệnh thường không phải tái khám bệnh thường xuyên.
- Phát hiện sớm và điệu trị kịp thời là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng ngừa biến chứng.
- Nếu bạn được phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn tiền – đái tháo đường ( pre-diabetes), bạn có thể phòng ngừa được căn bệnh này bằng chế độ ăn và tập thể dục. Một số nghiên cứu đã cho thấy, 50% người bệnh ở giai đoạn này sẽ không tiến triển thành bệnh đái tháo đường.
3. Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường bằng cách nào?
- Giai đoạn sớm của bệnh ĐTĐ týp 2 thường không có triệu chứng của bệnh
- Bệnh có thể phát hiện dễ dàng bằng xét nghiệm máu thường quy bao gồm xét nghiệm glucose máu và chỉ số HbA1c
- Một số trường hợp người bệnh cần đường làm nghiệm pháp tăng đường máu để phát hiện sớm căn bệnh này
4. Những ai cần phải đi khám sàng lọc bệnh đái tháo đường?
4.1. Khi bạn thừa cân hoặc béo phì ( chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 23 kg/m2) và có một trong các đặc điểm sau đây:
- Có bố/ mẹ/ anh/ chị/ em ruột bị bệnh đái tháo đường
- Tiền sử đang mắc bệnh lí tim mạch
- Tăng huyết áp ( ≥ 140/90 mmHg hoặc đang uống thuốc huyết áp)
- Chỉ sô HDL- cholesterol < 0.9 mmol/l và/ hoặc triglyceride > 2.82 mmol/l
- Tiền sử mắc bệnh buống trứng đa nang đối với nữ
- Lối sống ít vận động
- Có một số dấu hiện lâm sàng kháng insulin như dấu hiện gai đen ( acanthosis nigricans…)
4.2. Khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiền – đái tháo đường cần khám sàng lọc bệnh hàng năm
4.3. Khi bạn bị đái tháo đường thai kì, bạn cần khám sàng lọc bệnh đái tháo đường ít nhất 3 năm/ lần
4.4. Khi bạn không có những đặc điểm kể trên, bạn cũng nên cần khám sàng lọc căn bệnh này khi tuổi ≥ 45.
4.5. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, khám sàng lọc nên được nhắc lại ít nhất 3 năm/ lần và cần khám sàng lọc thường xuyên hơn nếu có thuộc đối tượng nguy cơ cao như trong phần 4.1 và 4.2.