THEO DÕI ĐƯỜNG MÁU TẠI NHÀ

BS Nguyễn Quang Bảy

 

  1. Tầm quan trọng của đo đường máu thường xuyên:

-            Theo dõi đường máu thường xuyên giúp kiểm soát tốt đường máu là 1 trong những yếu tố quyết định điều trị thành công bệnh ĐTĐ vì đường máu có liên quan chặt chẽ với các biến chứng của ĐTĐ. Theo nghiên cứu UKPDS – 1 nghiên cứu chuẩn về ĐTĐ týp 2 tại châu Âu, khi HbA1C tăng 1% (tương ứng đường máu tăng khoảng 2 mmol/l) thì nguy cơ bị các biến chứng thận, mắt, thần kinh tăng 25% và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng 16%. Một nghiên cứu rất lớn khác ở các bệnh nhân  ĐTĐ týp 1 (nghiên cứu DCCT) cũng đã xác nhận các lợi ích của kiểm soát tốt đường máu. Ngược lại khi đường máu hạ thấp dưới 4,0 mmol/l thì bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị hôn mê, thậm chí tử vong. Do vậy bệnh nhân ĐTĐ cần cố gắng duy trì đường máu ở mức càng gần bình thường càng tốt. Tuy nhiên nếu không đo đường máu thì không thể biết được đường máu mỗi người là cao, thấp hay bình thường. Đặc biệt khi đường máu cao trong khoảng 7-16 mmol/l có khả năng gây nhiều biến chứng hoặc là thấp tới 3-4 mmol/l sắp gây hôn mê hạ đường máu thì cảm giác của đa số người bệnh vẫn là “bình thường”. Để tránh xa vùng “đường máu nguy hiểm” này thì cách duy nhất là phải kiểm tra đường máu thường xuyên, hàng ngày và điều chỉnh ngay chế độ ăn uống, thuốc men nếu kết quả đường máu là bất thường, trước khi bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng.

-            Ngoài ra, đo đường máu còn giúp người bệnh:

  • Hiểu biết rõ hơn mối tương quan giữa đường máu và hoạt động thể lực, bài tập thể dục thể thao bạn đang thực hiện, với những loại thức ăn bạn đang ăn hoặc với các yếu tố khác như lối sống, đi du lịch, stress, hoặc khi bạn bị ốm.
  • Cho biết lối sống mà bạn lựa chọn, các thuốc mà bạn đang dùng có hiệu quả đến mức nào tới điều trị bệnh ĐTĐ.

-            Theo khuyến cáo của Hiệp Hội ĐTĐ Hoa Kỳ và Canada, thì bệnh nhân ĐTĐ cần được điều trị sớm và tích cực hơn, phối hợp thuốc sớm hơn để đưa đường máu nhanh chóng về mức càng gần bình thường càng tốt, hạn chế tối đa các biến chứng. Nhằm đạt mục tiêu này và tránh được nguy cơ bị hạ đường máu thì vai trò của kiểm tra đường máu đều đặn lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

  1. Đo đường máu thế nào là đúng cách và có được kết quả tin cậy:

-         Đo đường máu bằng máy đo cá nhân tại nhà được Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo là phương pháp tin cậy và phù hợp cho mọi bệnh nhân ĐTĐ. Cách sử dụng máy đo đường máu rất đơn giản, gồm 3 thao tác chính là gắn que thử vào máy, thấm máu vào que, và đợi máy báo kết quả sau 5-45 giây. Các máy đo thế hệ mới có khả năng cho ra kết quả tương đương với đường máu tĩnh mạch làm tại khoa sinh hoá các bệnh viện.

-         Khi mới được chẩn đoán hoặc khi thay đổi chế độ điều trị thì bệnh nhân nên thử 2-4 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Còn khi đường máu đã tương đối ổn định thì người bệnh vẫn nên thử 1-3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý đo đường máu sau bữa ăn 2 giờ hoặc khi có biểu hiện hạ đường máu hay bị ốm. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng đường máu sau ăn có khả năng gây biến chứng tương đương với tăng đường máu lúc đói, nhất là các biến chứng tim mạch.

-         Sau khi đo thì việc nhận định kết quả là rất quan trọng để có thái độ xử trí thích hợp. Tất cả các bệnh nhân phải được hướng dẫn cách điều chỉnh ban đầu chế độ ăn, chế độ luyện tập và thuốc khi đường máu của họ vượt khỏi vùng an toàn. Mục tiêu đường máu của người bệnh ĐTĐ, trước bữa ăn là từ 5,0 – 7,2 mmol/l và sau ăn là < 10 mmol/l.

-         Nếu các kết quả bất thường này xuất hiện nhiều lần hoặc vẫn tồn tại sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc thì bệnh nhân phải đi khám hoặc xin ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa sớm. Tất nhiên các mức đường máu mục tiêu sẽ thay đổi ở các đối tượng khác nhau, ví dụ đường máu có thể được phép cao hơn ở người già, người đã có suy thận nhưng cũng có thể phải thấp hơn ở những bệnh nhân ĐTĐ trẻ tuổi hoặc bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ. Tốt nhất thì bạn nên hỏi bác sỹ để biết mức đường máu cho phép của mình.

-         Các nguyên nhân có thể làm đường máu dao động (tăng hoặc giảm) là:

Thức ăn: Thay đổi giờ ăn, loại thức ăn, số lượng thức ăn...

Tập thể dục thể thao hoặc lao động chân tay

Thay đổi loại, liều lượng thuốc ĐTĐ

Các stress về tâm lý, tình cảm

Mắc bệnh khác: Cảm cúm, viêm phổi, đau dạ dày, ỉa chảy...

Uống nhiều rượu bia.

Dùng thêm các thuốc khác: các thuốc chống viêm giảm đau, thuốc Corticoid...

-         Để đảm bảo các kết quả đo được là tin cậy thì yêu cầu đầu tiên là bạn phải có được 1 chiếc máy đo đường máu cá nhân tốt, đáp ứng các tiêu chí cơ bản là thao tác đơn giản, cho kết quả nhanh và chính xác, không tốn máu, ít gây đau, có bộ ghi nhớ kết quả đi kèm ngày giờ đo, máy nhỏ gọn có thể mang theo người dễ dàng. Các tiêu chí khác không kém phần quan trọng là giá thành phải ở mức chấp nhận được với đa số người dân Việt nam và hệ thống dịch vụ tốt của nhà cung cấp. Ngoài ra, cần lưu ý là chỉ khi mua hàng chính hãng và có phiếu bảo hành thì người sử dụng mới được hưởng các dịch vụ ưu đãi như được cung cấp bộ tài liệu và băng hình hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, được hướng dẫn sử dụng máy và giải đáp thắc mắc trực tiếp, được cung cấp ổn định que thử đảm bảo chất lượng. Đặc biệt nhà sản xuất chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng máy và bảo hành miễn phí trọn đời.

  1. Có phiền toái gì khi phải đo đường máu hàng ngày hay không ?

-         Khi được giải thích là cần kiểm tra đường máu hàng ngày thì không ít người bệnh thường đặt ra 2 câu hỏi.

-         Câu hỏi thứ nhất là họ sợ đau, điều này cũng giống như khi phải tiêm insulin vậy, tuy nhiên người bệnh cần biết rằng những phiền toái chút ít này (không gặp ở tất cả các bệnh nhân) là rất nhỏ so với những lợi ích mà họ sẽ đạt được, đó là tránh được các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, mù hay suy thận… và dù là bị ĐTĐ nhưng họ vẫn có sức khoẻ tốt để làm công việc yêu thích và có cuộc sống hạnh phúc như mọi người bình thường. Tuy vậy sự lo lắng này đang dẫn biết mất khi mà nhiều máy đo đường máu thế hệ mới cho phép lấy máu mao mạch ở nhiều vị trí ít hoặc gần như không đau như cẳng tay, cánh tay…

-         Còn câu hỏi thứ hai là một số người bệnh lo lắng về chi phí cho việc thử đường máu hàng ngày có thể là khá cao so với mức thu nhập, và họ thường nghĩ rằng nếu dành số tiền đó cho việc mua các loại thuốc đắt tiền, đặc chủng thì hiệu quả sẽ cao hơn. Quả thực nghĩ như vậy là họ đã nhầm to vì nếu không kiểm tra đường máu thường xuyên, hàng ngày thì sẽ rất khó kiểm soát đường máu trong giới hạn bình thường và họ sẽ có nguy cơ rất cao bị các biến chứng (gấp 2-5 lần người kiểm soát đường máu tốt), khi đó chi phí cho việc điều trị các biến chứng sẽ là vô cùng tốn kém: Chi phí cho 1 lần điều trị nhồi máu cơ tim bằng 6.000 – 8.000 lần, chi phí cho 1 năm chạy thận nhân tạo (để điều trị suy thận giai đoạn cuối) bằng 4.000 lần đo đường máu… chưa kể họ không còn sức khoẻ để tiếp tục công việc đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính rất quan trọng, thậm chí mất cả tính mạng.