Các tuyến nội tiết có chức năng tiết ra các hormone nội tiết có vai trò quan trọng trong điều hòa, duy trì nhiều chức năng sống trong cơ thể. Các bệnh nội tiết thường gặp nhất hiện nay là đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp (gồm nhân tuyến giáp, cường giáp, suy giáp), suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận,... Các bệnh lý này nếu không phát hiện và xử lí kịp thời gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người bệnh.
Vai trò của các tuyến nôi tiết trong cơ thể người
Hệ nội tiết ở con người bao gồm hệ thống các tuyến nội tiết thực hiện vai trò sản xuất các hormone khác nhau, giúp chỉ huy và điều hòa đa số các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Các tuyến nội tiết chính trong cơ thể gồm: Vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy nội tiết, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục.
Bệnh lý nội tiết thường gặp là rối loạn tăng hoặc giảm chức năng quá mức của một tuyến nội tiết cụ thể. Cần tìm ra chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh mới có thể điều trị một cách hiệu quả.
Các bệnh nội tiết thường gặp nhất hiện nay
Các bệnh lý nội tiết liên quan đến các hệ thống nội tiết khác nhau trong cơ thể và gây ra các rối loạn và vấn đề sức khỏe khác nhau. Các bệnh lý nội tiết thường gặp nhất hiện nay là:
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa carbohydrat với đặc trưng là lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây cũng là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lâu ngày, sự tích tụ này khiến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao, từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác, gây tổn thương các bộ phận như mắt, thận,… thậm chí tử vong. Đặc biệt, biến chứng tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh đái tháo đường.
Bệnh lý tuyến giáp
Bệnh bướu giáp
Bệnh bướu giáp là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất, do tuyến giáp phì đại bất thường. Bệnh bướu cổ thường không gây đau nhưng những bướu lớn có thể sẽ gây ho, khó thở, nuốt nghẹn, khàn tiếng,…
Bệnh bướu giáp (còn gọi là bướu cổ/ bướu tuyến giáp) có thể được phân loại dựa trên cách bướu phát triển:
Bướu cổ lan tỏa: Toàn bộ tuyến giáp to lên, khi sờ vào sẽ có cảm giác mịn.
Bướu cổ dạng nốt: Xuất hiện khối u rắn hoặc chứa đầy chất lỏng, phát triển bên trong tuyến giáp và làm cho nó có cảm giác như cục u.
Bướu cổ đa nhân: Có nhiều khối trong tuyến giáp. Các khối có thể nhìn thấy hoặc được bác sĩ phát hiện khi đi khám tổng quát hoặc siêu âm.
Bệnh cường giáp
Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Tình trạng dư thừa này có thể do một số nguyên nhân, bao gồm cả viêm tuyến giáp hoặc bệnh Basedow (bệnh bướu độc lan tỏa).
Khi tình trạng cường giáp xảy ra có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm: Nhịp tim nhanh hoặc không đều; run tay, khó ngủ; khó chịu và lo lắng; mệt mỏi; nóng bức; tiêu chảy; gầy sút cân, cổ to.
Nếu không được điều trị, bệnh Basedow có thể gây nhiễm độc giáp nghiêm trọng. Nhiễm độc giáp nặng kéo dài dẫn đến sụt cân nghiêm trọng kèm theo dị hóa xương và cơ. Biến chứng tim và biến chứng tâm thần có thể gây ra bệnh tật đáng kể. Bệnh Basedow cũng liên quan đến bệnh nhãn khoa, bệnh da .
Có 3 phương pháp điều trị cường giáp bao gồm: Điều trị nội khoa bằng thuốc, liệu pháp điều trị phóng xạ bằng cách uống iod có gắn chất phóng xạ hoặc điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật tuyến giáp.
Bệnh suy giáp
Trái ngược với bệnh cường giáp là tình trạng suy giáp. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Đây là rối loạn tuyến giáp phổ biến , có thể khiến các quá trình trong cơ thể bị chậm lại.
Các triệu chứng bệnh suy giáp bao gồm: Mệt mỏi, sợ lạnh, da khô, nhịp tim chậm, chuột rút, táo bón, tăng cân, nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim, vận động chậm chạp, trí nhớ giảm…
Phương pháp điều trị thường là bổ sung hormone tuyến giáp nhằm kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng tim mạch, vô sinh, thai lưu....
Suy tuyến thượng thận
Khi tuyến thượng thận ngừng sản xuất các hormone cần thiết cho các chức năng sống của cơ thể sẽ dẫn tới bệnh suy tuyến thượng thận.
Bệnh suy tuyến thượng thận có hai loại chính là: suy thượng thận nguyên phát hay bệnh Addison và thứ phát. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và cả nam lẫn nữ.
Biểu hiện chính của bệnh bao gồm: buồn nôn, nôn, chán ăn, cơ thể mệt mỏi nhiều, yếu cơ, trọng lượng cơ thể giảm, tụt huyết áp, có trường hợp bệnh nhân còn bị sạm da vùng tiếp xúc với ánh sáng và cả vùng không tiếp xúc với ánh sáng. Bệnh suy tuyến thượng thận thường được điều trị bằng cách bù lại lượng hormone bị thiếu hụt.
Suy tuyến sinh dục
Bệnh lý suy sinh dục xảy ra ở cả nam và nữ giới. Bệnh khiến cơ quan sinh dục không sản sinh tốt hormone sinh dục, ảnh hưởng tới đặc điểm giới tính và sinh sản.
Suy sinh dục khiến bệnh nhân gặp vấn đề về khả năng tình dục, cường dương và xuất tinh. Ngoài ra, bệnh nhân suy sinh dục nam thường bị nhạy cảm hơn ở đầu dương vật, dương vật và tinh hoàn nhỏ, nhiều người mất hoàn toàn hứng thú tình dục.
Suy sinh dục nữ là bệnh lý phức tạp. Suy sinh dục có thể xảy ra ở độ tuổi sinh sản gây rối loạn rụng trứng, giảm khả năng thụ thai hoặc thậm chí gây vô sinh. Suy sinh dục thường xảy ra ở nữ giới độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, do suy giảm lượng hormone estrogen, khiến nữ giới giảm ham muốn, khô âm đạo, ảnh hưởng đến trí nhớ, sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh.
Suy tuyến sinh dục là bệnh nội tiết thường gặp, song không nhiều người thực sự hiểu rõ về bệnh lý này. Nếu hiểu và chủ động phòng ngừa, cả nam và nữ giới sẽ có sức khỏe và đời sống tình dục hạnh phúc hơn.
Suy tuyến yên
Tuyến yên bài tiết ra hormone chính trong cơ thể có tác dụng kích thích các tuyến nội tiết khác. Bệnh suy tuyến yên là sự suy giảm chức năng của tuyến yên trong việc sản sinh ra các hormone. Bệnh lý tuyến yên là bệnh lý ít được mọi người để ý đến cho đến khi khối u đã quá to gây chèn ép và gây suy tuyến yên ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Đây là một loại bệnh rối loạn hiếm gặp, trong đó tuyến yên hoặc không sản xuất hoặc không sản xuất đủ một hoặc nhiều hormone. Sự thiếu hụt này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ các chức năng thông thường của cơ thể.
Thiếu hormone hướng sinh dục LH và FSH: Thiếu hormone này khiến cả nam và nữ bị rụng lông, giảm ham muốn tình dục, vô sinh,…
Thiếu hormone kích thích tuyến giáp TSH: Tình trạng này thường gây ra suy giáp, bệnh nhân thường chịu lạnh kém, da khô và xanh xao, cơ thể dễ mệt mỏi,…
Thiếu hormone hướng vỏ thượng thận: Hậu quả sức khỏe mà bệnh nhân phải đối mặt là yếu cơ, sụt cân, buồn nôn, huyết áp thấp, da xanh xao,…
Thiếu hormone tăng trưởng: Hormone tăng trưởng thiếu hụt do bệnh lý tuyến yên gây ra tình trạng mất thị lực nhanh, đau đầu, bệnh lý tim mạch. Nếu tình trạng này xảy ra sớm ở trẻ, trẻ sẽ bị chậm phát triển, thấp lùn so với tuổi.
Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing xảy ra khi cơ thể dư thừa lượng hormone cortisol. Cortisol giúp cơ thể phản ứng với căng thẳng, điều chỉnh quá trình trao đổi chất và duy trì huyết áp.
Tình trạng dư thừa cortisol ở những người mắc hội chứng Cushing có thể gây ra các triệu chứng bao gồm: Tăng cân, chân tay teo nhỏ, mặt tròn bất thường, hình thành cục mỡ giữa vai (gù trâu), lông mọc nhiều, yếu cơ, tầm nhìn mờ, giảm khả năng sinh sản và ham muốn tình dục, mệt mỏi, các vết rạn màu tím trên da và da dễ bị bầm tím.
Các biến chứng nặng nề hơn bao gồm: Loãng xương; tăng nguy cơ gãy xương bất thường (đặc biệt là gãy xương sườn và xương bàn chân); tăng huyết áp; đái tháo đường type 2; nhiễm trùng thường xuyên.
Điều trị Hội chứng Cushing hiệu quả cần xác định nguyên nhân gây bệnh, bao gồm: Hội chứng cushing (u thượng thận), bệnh cushing hay hội chứng cushing do thuốc.
Hội chứng Cushing: Phẫu thuật nội soi lấy u đã thành thường quy.
Bệnh Cushing: Thường áp dụng với trường hợp phát hiện khối u, cho tỷ lệ thành công cao. Nếu khối u nhỏ khó phát hiện, người bệnh cần điều trị nội khoa để giảm triệu chứng. Tiếp tục triển khai các kỹ thuật cao hơn nhằm phát hiện chính xác khối u.
Hội chứng Cushing do thuốc: Điều trị nguyên nhân và sử dụng thuốc không có nguồn gốc corticoid thay thế. Lưu ý khi dùng glucocorticoid, cần tuân theo đúng hướng dẫn. Nếu thuôc· nguyên nhân này, người bệnh cần đến khám chuyên khoa nội tiết để được giải độc glucocorticoid, tránh suy thượng thận cấp, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Bệnh to đầu chi
Bệnh to đầu chi xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng, nguyên nhân gây ra sự phát triển bất thường của xương, các cơ quan và các mô.
Đau đầu (đau nhiều ở vùng trán và thái dương) là biểu hiện thường gặp nhất. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra tình trạng da và xương ở đầu, mặt, tay chân phát triển to bất thường so với tỷ lệ cơ thể. Các biểu hiện khác bao gồm thay đổi xương (hàm dưới và trán nhô ra…); da dày, nhiều nếp nhăn trên mặt giọng nói trầm hơn.
Quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh thường chậm trễ khiến người bệnh đối diện với những nguy hiểm liên quan đến nguy cơ bệnh lý tim, gan, phổi,… thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Như vậy , các bệnh ký nội tiết thường gặp gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều bệnh lý phải điều trị suốt đời bằng thuốc để giúp các tuyến nội tiết hoạt động ở trạng thái ổn định nhất.