Biến chứng thần kinh là 1 dạng biến chứng hay gặp ở BN ĐTĐ, tăng dần theo thời gian mắc ĐTĐ. Theo nghiên cứu: có 12% bệnh nhân có biến chứng thần kinh tại thời điểm chẩn đoán, tỷ lệ mắc sau 1 năm là 7%, 10 năm là 20% và 25 năm là 50%. Tỷ lệ này gia tăng ở các bệnh nhân kiểm soát đường máu kém, thời gian mắc bệnh dài, hút thuốc lá, uống rượu, có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Biểu hiện ở nhiều dạng và triệu chứng khác nhau.
1.Biến chứng thần kinh tự động
- Tim mạch: nhịp tim nhanh khi nghỉ > 100 lần/phút, nhồi máu cơ tim không triệu chứng, hạ huyết áp tư thế, rối loạn thân nhiệt
- Tiêu hóa: nuốt nghẹn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, ợ chua, nóng bỏng hoặc đau thượng vị, buồn nôn, nôn, táo bón, lúc ỉa lỏng.
- Bàng quang: tiểu không hết bãi.
- Sinh dục: nam rối loạn cương dương, nữ rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, khô vùng âm đạo.
- Rối loạn thần kinh vận mạch: tăng tiết mồ hôi ở thân mình, giảm tiết mồ hôi ở gốc chi.
- Hạ đường huyết không nhận biết: thường xảy ra ở các bệnh nhân ĐTĐ nhiều năm và hạ ĐH nhiều lần, bệnh nhân bị giảm hoặc mất các triệu chứng nhận biết hạ đường huyết.
2.Biến chứng thần kinh ngoại vi
- Dị cảm ở đầu chi: cảm giác kiến bò, tê rần kim châm, rát bỏng
- Giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc da, cảm giác nhiệt
- Mất cảm giác ngược lên “dạng bốt” ở chân, “dạng đeo găng ở tay”.
3.Biến chứng đơn dây thần kinh sọ và thần kinh vận động ít gặp
- Liệt đơn dây thần kinh sọ: dây VII gây méo miệng, nói khó, mắt nhắm không kín, dây III gây sụp mi...
- Liệt dây thần kinh vận động gây teo cơ.
Khi có triệu chứng nghi ngờ biến chứng thần kinh ngoại vi, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời để được thăm khám, làm các thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán, đánh giá mức độ và điều trị như:
- Đánh giá cảm giác nông ( cảm giác sờ):  khám 10 vị trí. Mất 2/10 vị trí được đánh giá có rối loạn cảm giác nông, mất 4/10 vị trí được đánh giá có nguy cơ bị bệnh lí bàn chân ĐTĐ
- Đánh giá cảm giác sâu ( cảm giác rung - bản thể)
 Thăm dò điện cơ thần kinh
- Điện tim
- Điện cơ
- Siêu âm ổ bụng, bàng quang, nội soi đường tiêu hóa
- Siêu âm tim và hệ mạch máu ngoại vi
Về điều trị: kiểm soát tốt đường huyết luôn là mục tiêu hàng đầu giúp ngăn ngừa tiến triển của biến chứng thần kinh ngoại vi. Bên cạnh đó, việc điều trị các triệu chứng làm giảm sự khó chịu cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng cuộc sống là điều cần thiết, được đưa ra tùy theo triệu chứng và mức độ của biến chứng thần kinh ngoại vi (thuốc giảm đau thần kinh, thuốc chống đầy hơi, chống nôn, thuốc làm loãng phân, thuốc làm tăng co bóp cơ trơn bàng quang…)