Ngoài các phương pháp điều trị được chỉ định bởi bác sĩ, việc chăm sóc và củng cố chức năng tuyến giáp cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng không kém phần quan trọng. Hãy cùng VIP12 tìm hiểu ung thư tuyến giáp ăn gì tốt trong bài viết dưới đây.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành từ các tế bào của tuyến giáp. Đây là một loại ung thư phổ biến, có xu hướng phát triển khi độ tuổi càng cao, nguy cơ ở nữ giới cao hơn nam giới.
Ung thư tuyến giáp được chia thành hai nhóm:
- Nhóm ung thư tuyến giáp thể biệt hoá chiếm khoảng 90%, nhóm này tiến triển chậm, tiên lượng tốt, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp nhú chiếm tỷ lệ nhiều nhất
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp loại kết hợp thể nhú và nang.
- Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá chiếm khoảng 10%, nhóm này tiến triển nhanh, nhanh di căn, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hoá.
Nguyên nhân gây ra ung thư tuyến giáp
Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tuyến giáp là gì. Tuy nhiên, có một vài lưu ý dưới đây được cảnh báo là có ảnh hưởng và nguy cơ cao dẫn đến ung thư tuyến giáp.
- Nữ giới: Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ thường xuyên hơn ở nam giới, với tỷ lệ xấp xỉ 3:1.
- Độ tuổi hay gặp 25-65 tuổi. Người bị thừa cân và béo phì.
- Người thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ. Người có tiền sử chiếu xạ vùng cổ.
- Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc bệnh tuyến lý tuyến giáp tự miễn.
- Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.
Thực phẩm người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn
- Thực phẩm giàu I-ốt: tuyến giáp sử dụng i-ốt để tổng hợp các hormone tuyến giáp, vì thế việc cung cấp đủ i- ốt qua bữa ăn hàng ngày giúp tuyến giáp hoạt động ổn định và giảm sự hình thành u tuyến giáp. Bạn có thể sử dụng tảo, rong biển,...là những thức ăn rất giàu i-ốt. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, việc hấp thụ quá nhiều i-ốt có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp.
- Rau lá xanh, hoa quả: rau bina, rau diếp và các loại rau lá xanh và hoa quả mọng nước được khuyến khích cho chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư tuyến giáp do chúng rất giàu magie, khoáng chất giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp diễn ra tốt nhất.
- Hải sản: các loại hải sản như cua, tôm, cá chứa nhiều chất bổ dưỡng như kẽm, i-ốt, omega 3, vitamin B, là những chất giúp tuyến giáp của cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, hạt bí là những nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu magie, tốt cho tuyến giáp. Các loại hạt sẽ cung cấp cho cơ thể protein thực vật, kẽm, đồng, vitamin E, và B giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru. Người bệnh nên bổ sung những loại hạt này vào chế độ ăn uống của mình, giúp tuyến giáp ổn định hơn.
- Các vitamin chống oxy hóa và vitamin B: Vitamin A, C và E là các chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp loại bỏ những tổn thương tuyến giáp. Thịt lợn, rau lá xanh, thịt gà, trứng, các loại đậu, hải sản có vỏ cứng, mầm lúa mì, hạnh nhân, đậu Hà lan, ngũ cốc nguyên hạt,... rất giàu vitamin B và cần được bổ sung vào chế độ ăn uống để tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh.
- Kẽm, đồng và sắt: là các vi lượng cần thiết giúp chức năng tuyến giáp hoạt động tối ưu. Nên sử dụng nấm, củ cải và rau mồng tơi vào chế độ ăn uống hàng ngày để đảm bảo các khoáng chất này.
- Selen: khoáng chất này rất cần thiết cho việc sản sinh và điều tiết hormon tuyến giáp. Bạn nên bổ sung nhiều hơn các thực phẩm tự nhiên giàu selen như cá hồng, cá ngừ, gan bò, nấm, tôm, cá và các loại hạt.
- Omega-3: Những acid béo này giúp tế bào nhạy cảm với hormone tuyến giáp. Bổ sung acid béo Omega-3 bằng cách ăn dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, thịt bò, cá bơn, tôm.
Ung thư tuyến giáp nên kiêng hoặc hạn chế ăn những thực phẩm gì?
- Không nên ăn thức ăn cay, nóng, các loại đồ ăn nướng, chiên rán có nhiều dầu mỡ. Các loại thực phẩm chế biến sẵn và được đóng hộp như pate, xúc xích. Trong thực phẩm chế biến sẵn còn chứa hàm lượng chất béo cao, sẽ làm giảm việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp, thậm chí giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.
- Hạn chế ăn đậu nành và các thức ăn được chế biến từ đậu nành ( sữa đậu nành, đậu phụ) vì có thể gây cản trở quá trình tạo hormone ở tuyến giáp do làm giảm hấp thu I-ốt.. Nếu mắc bệnh mất cân bằng hormon hoặc rối loạn tuyến giáp nên ăn ít hoặc không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ.
- Các loại rau họ cải: bạn nên kiêng các rau thuộc họ cải, vì các loại rau họ cải như cải xoăn, cải bruxen, củ cải chứa nhiều chất Isothiocyanates, chất này có khả năng cản trở các hoạt động của tuyến yên. Do vậy, khi ăn loại rau này các bạn nên luộc sơ để loại bỏ các chất trên.
- Nội tạng động vật: khi ăn nội tạng động vật như thận, tim, gan, người bệnh tuyến giáp cần lưu ý trong nội tạng có rất nhiều acid lipoic, nếu cơ thể nhận được quá nhiều acid béo này có thể phá vỡ hoạt động của tuyến giáp. Acid lipoic còn có thể có ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc tuyến giáp mà bạn đang sử dụng.
- Thực phẩm chứa gluten như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột sẽ hạn chế hấp thu thuốc hormone tuyến giáp.
- Tránh ăn nhiều chất xơ và đường: mặc dù chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa nhưng nạp nhiều chất xơ sẽ ngăn cản sự hấp thu thuốc hormone tuyến giáp của cơ thể. Người bệnh cần hạn chế ăn nhưng cũng không nên loại bỏ hoàn toàn vì đây là thực phẩm cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Đường và các chất tạo ngọt cũng vậy. Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, gây tăng cân, ảnh hưởng hoạt động của tuyến giáp.
- Không được uống bia rượu, các loại đồ uống có ga, không hút thuốc lá.
Một số lưu ý về các loại thực phẩm khác
- Bạn không nên uống thuốc điều trị suy giáp với các thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm của sữa hay uống cùng với thuốc canxi, chất sắt, chất xơ, điều này sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Bác sĩ khuyên người bệnh nên sử dụng những thực phẩm và thuốc kể trên vào khoảng thời gian cách xa thời điểm uống thuốc điều trị tuyến giáp ít nhất 4 giờ.
- Cà phê hoặc các thức uống có chứa caffeine cũng làm giảm tác dụng của thuốc tuyến giáp vì caffeine kích thích hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ của thuốc.
- Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có bổ sung hormone tuyến giáp nên uống thuốc lúc đói, tốt nhất vào trước bữa ăn sáng 30-60 phút.
Như vậy, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc dự phòng và điều trị ung thư tuyến giáp. Bài viết hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu được những kiến thức cơ bản về bệnh lý, đồng thời trả lời được câu hỏi chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp.