Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng ảnh hưởng đến nồng độ hormone của phụ nữ. Phụ nữ bị PCOS có nồng độ hormone nam trong cơ thể cao hơn bình thường. Sự mất cân bằng hormone này khiến họ bị rối loạn kinh nguyệt và khó mang thai hơn.
Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh căn bệnh này nhé.
Tìm hiểu chung
Hội chứng buồng trứng đa nang là bệnh gì?
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong buồng trứng của phụ nữ bị bệnh có nhiều nang nhỏ. Những nang này chứa đầy chất lỏng và trứng chưa trưởng thành. Nếu bạn bị buồng trứng đa nang, buồng trứng của bạn sẽ phình to ra.
Bệnh có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản (dẫn đến vô sinh) và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Dấu hiệu nhận biết
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
Các triệu chứng phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang là:
- Mụn
- Tăng cân và khó giảm cân
- Mọc thêm lông ở mặt và cơ thể (hiện tượng rậm lông). Thông thường, phụ nữ bị PCOS có lông ở mặt dày và sẫm màu hơn, mọc nhiều lông ở ngực, bụng và lưng.
- Giọng nói trầm hơn
- Tóc trên da đầu mỏng hơn
- Kinh nguyệt không đều
- Vô sinh
- Phiền muộn.
Sự mất cân bằng hormone trong hội chứng buồng trứng đa nang có thể dẫn đến một số vấn đề y khoa khác, bao gồm:
- Kháng insulin, tăng nồng độ insulin và tiểu đường tuýp 2
- Các vấn đề về tim và mạch máu
- Ung thư tử cung
- Chứng ngưng thở lúc ngủ.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng buồng trứng đa nang?
Hiện nay, giới y học vẫn chưa rõ về nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, di truyền có thể đóng vai trò gây bệnh, nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang cũng có mẹ hoặc chị em mắc hội chứng này.
Tình trạng viêm mức độ thấp có thể liên quan đến việc kích thích buồng trứng đa nang sản xuất nội tiết tố androgen. Insulin dư thừa cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng bằng cách tăng sản xuất androgen. Điều này có thể cản trở khả năng rụng trứng.
Ngoài ra, một số giả thiết cho rằng chế độ ăn quá nhiều tinh bột cũng có thể là yếu tố góp phần gây ra hội chứng buồng trứng đa nang.
Nguy cơ mắc phải
Mức độ phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang như thế nào?
Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng khá phổ biến. Khoảng từ 5-10% phụ nữ ở tuổi sinh sản bị mắc hội chứng này. Bệnh có thể được quản lý bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hội chứng buồng trứng đa nang như:
- Di truyền. Bạn có nguy cơ cao mắc bệnh hơn nếu ai đó trong gia đình bạn có hội chứng này.
- Bạn có các tình trạng sức khỏe khác có ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone trong cơ thể như bệnh tiểu đường và suy giáp.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang?
Không có xét nghiệm nào giúp dự đoán hội chứng buồng trứng đa nang. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán khi bệnh nhân đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn đang gặp, tiền sử bệnh của gia đình và bản thân bạn.
Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu một vài xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu: Đo lường mức độ hormone nói chung
- Kiểm tra tuyến giáp: Kiểm tra tuyến giáp có đang hoạt động bình thường không
- Xét nghiệm đường huyết: Kiểm tra tình trạng kháng insulin
- Xét nghiệm mỡ máu: Hội chứng buồng trứng đa nang có thể làm thay đổi bất thường về nồng độ cholesterol và triglyceride.
Kiểm tra hình ảnh (chụp CT, siêu âm) có thể cần thiết để kiểm tra buồng trứng của bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bất kỳ sự tăng trưởng bất thường nào, họ sẽ nội soi ổ bụng để xác định mức độ phức tạp của sự tăng trưởng. Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình kiểm tra các tế bào ung thư.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang?
Điều trị nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của hội chứng này. Tuỳ thuộc vào các triệu chứng, quá trình điều trị của bạn có thể khác nhau.
- Để điều trị mụn trứng cá và tình trạng rậm lông, bạn sẽ được cung cấp thuốc chống androgen để kiểm soát nồng độ hormone nam.
- Để cân bằng insulin và đường huyết, bạn sẽ được dùng thuốc tiểu đường.
- Để giảm mọc lông, bạn có thể sử dụng spironolactone (Aldactone®) và eflornithine (Vaniqa®).
- Để điều tiết kinh nguyệt, bạn sẽ cần thuốc tránh thai – thuốc có chứa cả estrogen và progestin. Nếu bạn đang cố gắng để có thai, bạn có thể cần một số loại thuốc như: clomiphene (Clomid®, Serophene®), gonadotropins – kích thích nang trứng (FSH) và hormone luteinizing (LH) hoặc letrozole (Femara®).
- Ở một số phụ nữ, phẫu thuật có thể được khuyến khích để thúc đẩy sự rụng trứng và làm giảm nồng độ nội tiết tố nam. Phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật đốt điểm buồng trứng. Dù vậy, đây chỉ là một giải pháp tạm thời.
Chế độ sinh hoạt hợp lý
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng buồng trứng đa nang?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng buồng trứng đa nang:
- Giữ cân nặng khỏe mạnh bằng cách tuân theo chế độ ăn ít tinh bột
- Tập thể dục cũng có thể giúp cơ thể điều tiết insulin
- Nếu bạn hút thuốc, hãy xem xét bỏ thuốc.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.