MÁY THEO DÕI ĐƯỜNG MÁU LIÊN TỤC – CÔNG CỤ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG MÁU CỦA THỜI ĐẠI 4.0

Máy theo dõi đường máu liên tục ( CGM: continuous glucose monitoring) đang mở ra một thời đại mới trong công việc kiểm soát đường máu ở người bệnh đái tháo đường. Với sự hỗ trợ của máy theo dõi đường máu liên tục, bệnh nhân đái tháo đường ( ĐTĐ) sẽ ngày càng được kiểm soát đường máu tốt hơn, hạn chế được các biến chứng của bệnh

  1. Những ưu và nhược điểm của các công cụ theo dõi đường máu hiện tại

Đã từ lâu, các xét nghiệm đường máu tĩnh mạch, đường máu mao mạch và xét nghiệm HbA1c đã trở thành những chỉ số quen thuộc đối với tất cả người bệnh đái tháo đường để phát hiện, theo dõi đánh giá mức độ kiểm soát đường máu. Nhờ có những phương tiện này, người bệnh và các bác sỹ có thể biết được tình trạng đường máu cao hay thấp để từ đó thay đổi các biện pháp điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, những công cụ theo dõi đường máu này có những ưu- nhược điểm sau:

+ Xét nghiệm đường máu tĩnh mạch có giá trị chính xác cao nhưng người bệnh phải đến bệnh viện để kiểm tra. Vì vậy, xét nghiệm đường máu tĩnh mạch thường chỉ kiểm tra 1 tháng/ lần hoặc 1 vài lần/ tháng.

+ Đường máu mao mạch được kiểm tra bằng máy thử đường máu cá nhân. Phương tiện này có thể giúp bệnh nhân chủ động tự theo dõi đường máu tại nhà. Mặc dù vậy, những bệnh nhân tích cực nhất cũng chỉ theo dõi khoảng 7 lần/ ngày. Đa số người bệnh thường theo dõi 1-2 lần/ ngày, 1-2 lần/ tuần, thậm chí chỉ theo dõi 1 lần/ tháng. Nhược điểm của máy thử đường máu cá nhân là cho kết quả không chính xác, bệnh nhân bị đau mỗi lần lấy máu. Những bất tiện này đã hạn chế số lần thử đường máu của người bệnh. Do số lần thử đường máu trong ngày quá ít, người bệnh có thể bị bỏ xót các thời điểm đường máu tăng quá cao hoặc hạ quá thấp.

+ HbA1c là kết quả đường máu trung bình cho 3 tháng gần nhất. HbA1c là một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá hiệu quả kiểm soát đường máu. Nếu HbA1c cao hơn ngưỡng mục tiêu có nghĩa là kiểm soát đường máu không tốt. Tuy nhiên, HbA1c không xác định được các dao động đường máu, không phản ánh thời điểm hiện tại người bệnh đang bị tăng hay hạ đường máu.

Hình minh hoạ phía dưới sẽ giúp bạn đọc hình dung được những hạn chế của các công cụ theo dõi đường máu hiện tại: chấm đỏ là những lần thử đường máu mao mạch. Thử đường máu mao mạch có thể bỏ sót những lần đường máu tăng rất cao hoặc những lần bị hạ đường máu.

  1. Biến chứng của bệnh đái tháo đường không chỉ xuất hiện khi đường máu cao mà còn xuất hiện khi đường máu dao động quá nhiều

Đường máu không phải là con số hằng định. Đường máu phụ thuộc vào chế độ ăn và chế độ vận động thể lực. Mặc dù vậy, đối với người bình thường, cho dù đường máu thời điểm trước ăn hay sau ăn cũng chỉ dao động từ 3.9 – 10 mmol/l.  Nếu đường máu tăng quá ngưỡng này sẽ dẫn tới tình trạng stress oxi hoá- là nguyên nhân dẫn tới các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Nếu đường máu thấp hơn ngưỡng này hay còn gọi là hạ đường máu sẽ dẫn tới tăng sinh một số hocmon như catecholamin và cortisol ở tuyến thượng thận, glucagon ở tuyến tuỵ… Những hocmon này gia tăng bất thường có thể dẫn tới các rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

      Như vậy, kiểm soát đường máu không chỉ là dùng các biện pháp như sử dụng thuốc hạ đường máu, chế độ ăn, chế độ luyện tập để giảm đường máu về mức bình thường mà còn phải hạn chế các dao động đường máu quá mức và hạn chế lượng thời gian trong ngày đường máu tăng quá cao hoặc hạ quá thấp. Một số nghiên cứu đã cho thấy, thời gian đường máu trong ngày nằm trong ngưỡng từ 3.9 – 10 mmol/l càng dài thì biến chứng của bệnh đái tháo đường càng thấp.

  1. Theo dõi đường máu liên tục đã mở ra thời đại mới trong công cuộc kiểm soát đường máu

Máy theo dõi đường máu liên tục là một loại máy được gắn vào dưới da người bệnh. Việc gắn này thực hiện đơn giản, không gây đau, người bệnh có thể tự thực hiện được. Sau khi được gắn vào dưới da, máy sẽ tự động ghi nhận các kết quả đường máu dưới da mỗi 5 phút/ lần và tổng số lần máy ghi nhận kết quả đường máu lên tới 288 lần/ ngày. Như vậy, máy theo dõi đường máu liên tục có số lần theo dõi đường máu vượt trội so với máy thử đường máu cá nhân. Do số lần theo dõi đường máu liên tục rất nhiều nên máy có thể phát hiện được các dao động đường máu, phát hiện được những thời điểm đường máu tăng quá cao hoặc quá thấp mà máy thử đường máu cá nhân có thể bỏ xót. Một số thời điểm rất quan trọng trong ngày có thể gây hạ đường máu là thời điểm tập thể dục và thời điểm giấc ngủ. Máy theo dõi đường máu liên tục sẽ giúp bệnh nhân phát hiện ra những nguy hiểm này.

Một ưu điểm khác có thể nhận thấy là máy theo dõi liên tục có thời gian sử dụng dài ngày, từ 10 ngày  đến 90 ngày tuỳ từng loại máy. Trong thời gian này, bệnh nhân không phải tự thử đường máu bằng máy đo đường máu cá nhân. Do đó, người bệnh không còn cảm giác đau và phiền toái khi phải thử đường máu quá nhiều lần. Ngoài ra, người bệnh có thể tắm rửa, vận động bình thường và không cảm thấy phiền toái khi đeo máy

Máy thử đường máu rất thuận tiện khi người bệnh chủ động theo dõi đường máu của mình khi để đầu đọc kết quả gần bộ phận cảm biến.

Diến biến đường máu liên tục là thông tin tốt nhất thời điểm hiện tại giúp người bệnh và bác sỹ kiểm soát tốt đường máu và hạn chế biến chứng của bệnh ĐTĐ

  1. Tại sao cần sử dụng máy theo dõi đường máu liên tục
  • Giúp ngăn ngừa tình trạng hạ đường máu
  • Giúp ngăn ngừa được tình trạng tăng đường máu
  • Hạn chế các dao động đường máu
  • Giúp thay đổi hành vi người bệnh
  • Giúp ngăn ngừa được biến chứng bệnh ĐTĐ

  1. Bệnh nhân nào cần sử dụng máy theo dõi đường máu liên tục?
  • Những bệnh nhân đái tháo đường đang tiêm insulin
  • Những bệnh nhân hay bị hạ đường máu
  • Những bệnh nhân suy giảm thị lực nặng
  • Những bệnh nhân đái tháo đường chuẩn bị mang thai và trong thời gian mang thai
  1. Tôi có thể đeo máy theo dõi đường máu liên tục tại đâu?

Bạn có thể đeo máy đường máu liên tục tại địa chỉ duy nhất phòng khám đa khoa VIP12 – địa chỉ 257 Giải Phóng – Tầng 3,4 toà nhà Hoà Phát

Các chuyên gia Nội Tiết sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn với phương tiên theo dõi đường máu hiện đại này

TS.BS. Lê Bá Ngọc

Khoa Nội Tiết – BV Bạch Mai