Bướu nhân tuyến giáp là một khối đặc hoặc có chứa chất lỏng bên trong, nó hình thành ở ngay trong tuyến giáp. Bướu nhân này đa phần không gây nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng cũng có trường hợp phát triển thành nhân ung thư. Vậy nguyên nhân hình thành bướu nhân tuyến giáp là gì và khi nào thì cần điều trị tình trạng này? Câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài phân tích sau đây.
Nguyên nhân hình thành của bướu nhân tuyến giáp
Bướu nhân tuyến giáp có đặc điểm cấu tạo là những cục cứng, hoặc bên trong chúng chứa chất lỏng hoặc chất đặc quánh, các tổ chức xơ hóa và xuất hiện ở bên trong tuyến giáp. Vị trí của bướu nằm ở trên cổ, phía trên xương ức người bệnh.
Có không ít người có bướu nhân này nhưng phần lớn chúng không gây ra tổn hại nguy hiểm nào cho cơ thể. Chỉ một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có bướu nhân tuyến giáp tiến triển thành ung thư. Cần lưu ý là hầu hết những ca ung thư tuyến giáp lại rất ít khi bộc lộ triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện nếu chỉ dựa trên dấu hiệu lâm sàng.
Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của bướu nhân tuyến giáp có thể là do:
- Mô tuyến giáp phát triển quá mức và trở thành khối u tuyến giáp. Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì sao lại có sự phát triển đột biến này nhưng nếu kích thước khối u không quá lớn, không có biểu hiện xâm lấn thì nó sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh;
- Viêm tuyến giáp mạn tính: hay còn gọi là bệnh Hashimoto, một tình trạng rối loạn tuyến giáp có khả năng hình thành nên các bướu nhân và gây viêm tuyến giáp. Tình trạng này thường xuất hiện cùng với suy giáp;
- Bướu đa nhân tuyến giáp: tên gọi khác là bướu cổ dùng để chỉ tình trạng tuyến giáp bị tăng kích thước quá mức. Nguyên nhân thường là do cơ thể bị thiếu iot hay do rối loạn khác ở tuyến giáp;
- Ung thư tuyến giáp: bướu nhân tuyến giáp có thể phát triển thành dạng ung thư, mặc dù ít gặp nhưng điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp đó là: nhiễm phóng xạ hạt nhân hoặc phóng xạ trong điều trị y tế, do di truyền,...
Các dấu hiệu nhận biết sự hiện diện của bướu nhân tuyến giáp
Đa phần các trường hợp có bướu nhân tuyến giáp đều không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Chỉ khi thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc trong một lần ngẫu nhiên kiểm tra bệnh lý khác thì bệnh nhân mới phát hiện ra. Tuy nhiên nếu bướu nhân phát triển quá lớn thì cũng gây ra những biểu hiện mà người bệnh có thể cảm nhận được, ví dụ như:
- Quan sát thấy có khối nhô ra tại cổ, hoặc vùng cổ gia tăng về kích thước;
- Bướu nhân tuyến giáp gây chèn ép thực quản, khí quản khiến bệnh nhân bị khó nuốt, khó thở, đau và khàn giọng;
- Xuất hiện chứng cường giáp: bướu nhân có thể kích thích tuyến giáp sản xuất thêm hormone thyroxine, khi hormone này bị tiết ra quá dư thừa sẽ dẫn đến tình trạng cường giáp với các biểu hiện như: lo lắng, run tay, tăng tiết mồ hôi, nhịp tim nhanh, sụt cân không rõ lý do mặc dù rất thèm ăn, loãng xương, dễ kích động, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng nhiễm độc giáp cấp vì nếu không được cấp cứu kịp thời có thể khiến bệnh nhân tử vong;
- Có các triệu chứng suy giáp: cảm giác lạnh hoặc sợ lạnh, mệt mỏi, gặp vấn đề về trí nhớ, da khô, táo bón, trầm cảm,...
Tỷ lệ bướu nhân tuyến giáp chuyển thành ung thư khá thấp nhưng nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nếu trên thì bệnh nhân cần đi khám ngay.
Các phương pháp được áp dụng trong điều trị bướu nhân tuyến giáp
Dựa trên loại bướu nhân tuyến giáp mà người bệnh mắc phải, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Cụ thể như sau:
Điều trị bướu nhân tuyến giáp lành tính
Nếu bướu nhân tuyến giáp đó không phải ung thư thì sẽ lựa chọn các biện pháp điều trị dưới đây:
- Theo dõi định kỳ: Thông qua kết quả xét nghiệm tế bào học không thể hiện bướu nhân đó là ung thư thì bệnh nhân sẽ chỉ cần theo dõi định kỳ, bao gồm khám lâm sàng kết hợp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Nếu nó phát triển lớn hơn bệnh nhân sẽ phải thực hiện sinh thiết để kiểm tra. Bệnh nhân không cần phải điều trị nếu nhân tuyến giáp không thay đổi.
- Điều trị hormone: Trong trường hợp tuyến giáp của bệnh nhân không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết như nhiệm vụ của nó thì bệnh nhân nên điều trị liệu pháp hormone.
- Phương pháp đốt sóng cao tần: là biện pháp được áp dụng rất nhiều trong nhiều trường hợp bị bướu nhân tuyến giáp, giúp loại bỏ khối u bằng nhiệt dưới tác động của dòng điện xoay chiều tần số cao.
- Phẫu thuật: Phương pháp này được áp dụng đối với các bướu nhân tuyến giáp lớn. Tuy đó không phải là ung thư nhưng nó có thể khiến cho người bệnh bị khó nuốt và khó thở, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Trong trường hợp những nhân tuyến giáp có kết quả xét nghiệm nghi ngờ hoặc không xác định cũng cần phải được loại bỏ, đồng thời kết hợp sinh thiết nhằm kiểm tra nguy cơ ung thư.
Điều trị các bướu nhân gây cường giáp
Tình trạng cường giáp do bướu nhân tuyến giáp gây nên cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Biện pháp điều trị được áp dụng lúc này sẽ là:
- Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp: Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc methimazole để kiểm soát các triệu chứng do cường giáp gây ra. Thuốc phải dùng duy trì theo chỉ dẫn và có thể gây ra một số phản ứng phụ như giảm bạch cầu hạt, tăng men gan,...;
- Iod phóng xạ: dùng theo dạng lỏng hoặc dạng viên nang, có tác dụng thủ nhỏ kích thước của bướu nhân tuyến giáp, giảm thiểu triệu chứng của cường giáp và phải điều trị trong vòng 2 - 3 tháng;
- Phẫu thuật: áp dụng cho những trường hợp bướu nhân hoạt động quá mức.
Điều trị các bướu nhân phát triển thành ung thư
Nếu nghi ngờ bướu nhân đó là ung thư thì người bệnh cần phải được theo dõi sự phát triển của bướu nhân chặt chẽ, định kỳ thông qua siêu âm và thực hiện xét nghiệm máu.
Trong trường hợp bướu nhân đó thực sự đã tiến triển thành ung thư thì cần phải áp dụng phương pháp phẫu thuật loại bỏ. Trước đây thường sẽ là chỉ định cắt bỏ gần như toàn bộ tuyến giáp nhưng hiện nay kỹ thuật điều trị bằng phương pháp này đã cải tiến hơn, ưu tiên bảo toàn cấu trúc tuyến giáp bằng cách cắt bán phần bộ phận này. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh bác sĩ sẽ cẩn thận cân nhắc có nên loại bỏ toàn bộ tuyến giáp hay không.
Phẫu thuật tuyến giáp cũng tiềm ẩn một số rủi ro, bao gồm nguy cơ tổn thương tuyến cận giáp, tổn thương dây thần kinh quặt ngược do dây thanh âm điều khiển. Ngoài ra nếu bệnh nhân bị cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì sẽ phải điều trị bằng levothyroxin suốt đời. Đây là liệu pháp hormone thay thế nhiệm vụ cho tuyến giáp đã mất đi.
Như vậy bướu nhân tuyến giáp là một tình trạng bệnh lý lành tính nhưng đôi khi nó cũng có thể phát triển thành dạng ung thư. Nếu cơ thể bạn xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo về sự hình thành của bướu nhân tuyến giáp, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh.