Nhân tuyến giáp là bệnh khá phổ biến của tuyến giáp và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Phần lớn các nhân tuyến giáp lành tính nhưng có từ 5-10 % tính  các nhân này có khả năng ác tính. Bên cạnh đó một số trường hợp nhân gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ, hoặc nhân hoạt động chức năng gây tác động đến chuyển hóa cũng như một số quá trình khác trong cơ thể. Chính vì vậy, chúng cần được nhận biết, khắc phục kịp thời.

Nhân tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, có hình dạng trông giống như hai cánh bướm và nằm phía trước cổ với trọng lượng khoảng 10-20 gram, có  nhiệm vụ tiết ra hormone giáp trạng có vai trò thúc đẩy hoạt động của tế bào, tác động tới chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể.

Nhân tuyến giáp (bướu tuyến giáp) là một tổn thương riêng biệt của tuyến giáp có sự khác biệt về hình ảnh với nhu mô giáp xung quanh. Bệnh gây nên do các tế bào phát triển bất thường, dẫn tới thay đổi cấu trúc cũng như chức năng của tuyến này, dẫn tới việc hình thành các khối u tại đây. Các khối u có thể làm cho vùng cổ phình to ra, mất cân đối.

Các nhân tuyến giáp khá phổ biến với tỷ lệ hiện mắc cao trong dân số nói chung. Tỷ lệ phát hiện thay đổi phụ thuộc vào phương thức kiểm tra: 2-6% (sờ nắn), 19-35% (siêu âm) và 8-65% (từ dữ liệu khám nghiệm tử thi).  Chúng được phát hiện trên lâm sàng khi bệnh nhân tự sờ nắn thấy; trong quá trình khám sức khỏe của bác sĩ lâm sàng hoặc tình cờ trong quá trình xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như  siêu âm , chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ cổ. Trong những năm gần đây, với việc sử dụng ngày càng nhiều các kỹ thuật hình ảnh có độ nhạy cao, các nhân giáp  được chẩn đoán một cách tình cờ với tần suất ngày càng tăng. Theo thống kê, có tới 4 đến 7% dân số trên thế giới mắc bệnh này, trong đó, nữ có nguy cơ cao gấp 5 lần so với nam và độ tuổi phổ biến nhất là trong khoảng 25 - 65. Mặc dù nhân giáp phổ biến, nhưng ý nghĩa lâm sàng chủ yếu liên quan đến việc loại trừ bệnh lý ác tính, đánh giá tình trạng chức năng của nhân và các triệu chứng chèn ép có thể gây ra biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Nguyên nhân gây nên nhân  tuyến giáp

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể song những yếu tố sau đây được xem là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ bị nhân tuyến giáp như:

  • Nữ giới: :Nhân tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ thường xuyên hơn ở nam giới, với tỷ lệ xấp xỉ 3:1
  • Độ tuổi hay gặp 25-65 tuổi.
  • Di truyền: có tiền sử bản thân và gia đình về bướu cổ nói chung.
  • Chiếu xạ trực tiếp lên tuyến giáp, nhất là ở trẻ em dưới 14 tuổi.
  • Đột biến gen RAS, RET, PTC, BRAF.
  • Béo phì và đề kháng insulin.
  • Thiếu hoặc thừa iod.

Triệu chứng của nhân tuyến giáp

  • Đa số nhân tuyến giáp không thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ bởi người thân trong gia đình hoặc thầy thuốc khi đi khám bệnh khác hay khám kiểm tra sức khỏe.
  •  Khai thác tiền sử các yếu tố nguy cơ ung thư giáp như tiền sử tiếp xúc chất phóng xạ, tiền sư xạ trị vùng cổ, gia đình có người ung thư tuyến giáp, đa u tuyến nội tiết, hội chứng đa polyp ruột.
  •  Dấu hiệu gợi ý tính chất ác tính khi khám lâm sàng  như U giáp cứng, ít di động dính với tổ chức xung quanh, khàn giọng do liệt dây thanh,  hạch cổ bệnh lý
  • Các các triệu chứng dấu hiệu gây chèn ép vùng cổ do nhân giáp to: khó thở, nuốt vướng.
  •  Nếu đau nhiều và to nhanh khả năng là do chảy máu trong nhân tuyến giáp cần phân biết viêm tuyến giáp.   Một số ít bệnh nhân có biểu hiện cường giáp hoặc suy giáp.

Điều trị nhân tuyến giáp như thế nào?

Các yếu tố cần đươc xem xét toàn diện trong điều trị và theo dõi nhân giáp như nồng độ TSH máu, kích thước của nhân, đặc điểm siêu âm, yếu tố nguy cơ lâm sàng, thái độ của bệnh nhân và quan trọng nhất và là yếu tố quyết định chính là kết quả tế bào học nhân tuyến giáp.

Đối với các nhân giáp tự chủ hoặc tăng chức năng ( bướu nhân độc)

Đa số là nhân lành tính. Nhân ác tính gây cường giáp chiếm tỷ lệ nhỏ khoảng 2,5 - 8,3%. Nếu bệnh nhân bị cường giáp dưới lâm sàng (TSH thấp, FT4 bình thường), việc xử trí phụ thuộc vào nguy cơ biến chứng lâm sàng (rung nhĩ ở bệnh nhân trên 60 đến 65 tuổi và loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh) và mức độ ức chế TSH.

    • Điều trị I131: BN lớn tuổi, nhân giáp nhỏ, tiền sử phâu thuật, các yếu tố nguy cơ phẫu thuật.  Chống chỉ định ở BN có thai cho con bú.
    • Điều trị bằng phẫu thuật: nhân lớn > 4 cm, bướu đa nhân, có biểu hiện chèn ép, hoăc bướu nhân chìm, khi cần giảm tình trạng cường giáp nhanh, hoặc kết hợp mổ U cận giáp .
    • Điều trị nội khoa  bằng thuốc kháng giáp, để kiểm soát tình trạng cường giáp, lâu dài cần phẫu thuât cắt bỏ nhân giáp khi bình giáp.

 

Nhân có kết quả tế bào học lành tính

Nguy cơ ác tính ở các nhân lành tính là rất thấp 0 - 3% nên nhân lành tính thường được quản lý bảo tồn theo dõi mà không cần can thiệp như phẫu thuật/ đốt nhiêt

Liệu pháp ức chế TSH bằng hormone giáp không được khuyến cáo cho các nhân lành tính.

Nếu nhân giáp có triệu chứng chèn ép:

Đánh giá bổ sung trước can thiệp đối với bướu chèn ép như chụp cắt lớp hoăc MRI cổ ngực, nội soi thanh quản đánh giá dây thanh để có tiếp cận điều trị thích hợp:

  • Phẫu thuật: cắt toàn bộ tuyến giáp nhằm giải phóng chèn ép cũng như nguy cơ tái phát. Ưu tiên với nhân lớn, chìm trong lồng ngực.
  • Đốt sóng cao tần: nếu nhân đủ điều kiện, chống chỉ định  ở BN có thai và bệnh tim mạch đặt máy tạo nhịp, thận trọng ở  BN liêt dây thanh bên đối diện
  • Chọc hút nang và / hoặc tiêm cồn  có thể được xem xét đối với u nang tuyến giáp

Nhân giáp lành tính ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ và BN có nguyện vọng thì

 sóng cao tần có thể được chỉ định.

Nhân nghi ngờ ác tính và ung thư  tuyến giáp chỉ định can thiệp phẫu thuật cắt thùy hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy theo từng trường hợp bệnh .

Phòng ngừa các bệnh về tuyến giáp như thế nào?

Để phòng ngừa, giảm nguy cơ của các bệnh về tuyến giáp, bạn có thể thực hiện theo một số cách như sau:

Về dinh dưỡng

Một chế độ ăn vừa đa dạng, vừa lành mạnh với nhiều rau, quả có thể nâng cao sức khỏe, phòng bệnh. Đặc biệt, nên chú ý bổ sung đủ iot qua ăn uống để kích thích các nội tiết tố cần thiết được sản sinh nhằm cân bằng, hạn chế nguy cơ của khối u, nhân tuyến giáp.

  • Các loại thực phẩm giàu iot có thể lựa chọn như: hải sản, rong biển hay tảo bẹ,... song với những người cường giáp thì không nên ăn nhiều.
  • Các loại rau có màu xanh đậm rất tốt cho tim, khắc phục sự mệt mỏi, đau cơ.
  • Hạt hạnh nhân, hạt điều,... rất giàu protein cũng như maggie, vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe cũng như tuyến giáp.
  • Cá hồi, thịt bò, tôm,... có nhiều axit béo cũng như omega 3, trong khi đó thịt gà, hàu, cá hay phô mai,... lại giàu selen, tốt cho sức khỏe.

Về sinh hoạt, tập luyện

Trong sinh hoạt, nên cố gắng thực hiện việc ngủ đúng giờ, đủ giấc cùng với không dùng các chất kích thích như rượu, bia,...

Cùng với đó, nên thường xuyên tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai, có thể đào thải các độc tố, tăng đề kháng chống lại bệnh tật.

Một điều rất cần thiết và cần được duy trì thực hiện tốt, đó là khám sức khỏe định kỳ. Điều này không chỉ giúp kịp thời phát hiện bệnh mà còn giúp phòng tránh biến chứng hay các nguy cơ đối với sức khỏe.

Khi thấy bất cứ một dấu hiệu hay triệu chứng nghi ngờ nào của bệnh nhân tuyến giáp, bạn có thể lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để đến khám, kiểm tra.