Theo thống kê của bộ y tế, những năm gần đây số lượng người mắc bệnh về tuyến giáp đang ngày một tăng cao. Trong đó, một trong những bệnh lý phổ biến nhất là bướu giáp nhân, thường được mô tả là những khối nhân bên trong có chứa chất lỏng hoặc đặc cứng. Vậy bệnh lý này xuất phát từ những nguyên nhân nào? Các triệu chứng của bệnh ra sao? Bệnh để lại những biến chứng gì?
Nguyên nhân hình thành bướu giáp nhân
Hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy lo lắng khi mắc phải các bệnh lý liên quan đến bướu. Chính vì thế, các bạn đọc luôn muốn tìm hiểu về những nguyên nhân hình thành bệnh. Theo các bác sĩ, bướu giáp nhân là một trong những bệnh lý phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như:
- Một số loại u xuất hiện ở tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây ra cường giáp.
- Khi mô tuyến giáp phát triển quá mức so với bình thường sẽ hình thành các khối u bên trong. Hiện tại, sự phát triển của các mô tuyến giáp vẫn chưa xác định được nhưng chúng hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ung thư. Đồng thời, mức độ ảnh hưởng của các mô giáp này cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi kích thước của nhân giáp quá lớn sẽ gây chèn ép tuyến giáp.
- U nang tuyến giáp: được mô tả là một khoang nhỏ có chứa chất lỏng, tồn tại bên trong tuyến giáp. Trong đó, tình trạng thường gặp nhất ở bệnh nhân là sự thoái hóa của u tuyến giáp. Mặc dù, u nang không phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư nhưng thực tế các phần mô đặc bên trong chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Viêm tuyến giáp thể mạn tính: còn được gọi là bệnh Hashimoto, thường được biết đến là một dạng rối loạn khiến tuyến giáp bị viêm nhiễm và sản sinh các nhân lớn. Bên cạnh đó, khi mắc phải tình trạng này, bệnh nhân thường kèm theo biểu hiện của suy giáp.
- Bướu tuyến giáp dạng đa nhân: được lý giải là tình trạng tuyến giáp phát triển với kích thước lớn do một vài rối loạn hoặc thiếu iod. Thông thường, các khối tuyến giáp tồn tại bên trong sẽ nằm riêng biệt nhưng hiện tại vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân.
- Ung thư tuyến giáp: mặc dù nhân tuyến giáp không phải là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư nhưng tình trạng nhân cứng và kích thước lớn dần, gây đau thì rất nghiêm trọng. Đối với những bệnh nhân có người thân từng mắc các bệnh lý liên quan đến bướu thì nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn.
- Thiếu hụt Iod: một số nghiên cứu cho thấy, nếu không hoặc ít sử dụng muối iod trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các nhân bên trong tuyến giáp. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường ít gặp ở các bệnh nhân.
Các triệu chứng của bệnh bướu giáp nhân
Thông thường, các bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi nhân tuyến giáp đã phát triển với kích thước lớn và gây cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh quá muộn khiến quá trình điều trị không đạt được hiệu quả cao cũng như thời gian chữa trị cũng kéo dài. Chính vì thế, mọi người nên tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh để dễ dàng nhận diện và phát hiện bệnh sớm.
Vậy các triệu chứng nào thường gặp ở bệnh nhân bị bướu giáp nhân? Thực tế, khi nhân tuyến giáp hình thành với kích thước quá nhỏ, người bệnh hoàn toàn rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi chúng dần phát triển sẽ gây ra một số triệu chứng giúp bệnh nhân dễ dàng nhận diện bệnh. Cụ thể như:
- Cảm giác lợm cợm như có nhân bên trong tuyến giáp.
- Bằng mắt thường có thể nhìn được bướu tuyến giáp bên trong. Vị trí bướu thường xuất hiện nhất là khu vực trước cổ.
- Thường thấy khó nuốt khi ăn hoặc thỉnh thoảng khó thở do nhân tuyến giáp phát triển chèn ép vùng thực quản và khí quản.
Ngoài ra, một số bệnh nhân xuất hiện nhân tuyến giáp có hàm lượng thyroxine quá cao. Trong đó, thyroxine là một dạng hormone do tuyến giáp sản sinh, nếu hàm lượng của chúng vượt quá mức cho phép có thể dẫn đến một số triệu chứng cường giáp. Điển hình như:
- Trọng lượng cơ thể giảm đột ngột nhưng không tìm được nguyên nhân.
- Cơ thể tiết mồ hôi quá nhiều.
- Xuất hiện triệu chứng run tay.
- Thường xuyên cảm thấy lo lắng.
- Nhịp tim không ổn định, thường xuyên tăng - giảm thất thường, tim đập không đều hoặc nhịp đập nhanh.
Bướu giáp nhân gây ra biến chứng gì?
Mặc dù không phải nhân tuyến giáp nào cũng gây ra tình trạng ung thư nhưng thực tế chúng hoàn toàn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Trong đó, bướu giáp nhân là nguyên nhân gây ra một số biến chứng như:
- Sự phát triển của các nhân tuyến giáp gây cản trở, chèn ép bên trong khí quản và thực quản. Do đó, bệnh nhân thường cảm thấy khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc hít thở.
- Cường giáp: thường xuất hiện khi nhân tuyến giáp sản sinh số lượng lớn hormone tuyến giáp. Các triệu chứng đặc trưng của tình trạng này là bệnh nhân thường cảm thấy lo lắng, dễ dàng bị kích động, cơ yếu, cân nặng giảm sút.
- Những biến chứng tiềm ẩn khác có thể gặp phải là tình trạng tim loạn nhịp hoặc nhiễm độc giáp cấp. Theo bác sĩ, tuyến giáp bị nhiễm độc cấp là biến chứng khá nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân bất kỳ lúc nào.
- Đối với những trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật bướu giáp nhân: nếu một nhân giáp đã được cắt bỏ thì bệnh nhân có thể phải dùng hormone tuyến giáp thay thế.
Các phương pháp chẩn đoán bướu giáp nhân
Nhờ sự tiến bộ của công nghệ và khoa học mà việc chẩn đoán bệnh bướu giáp nhân ngày một dễ dàng với mức độ chính xác rất cao. Trong đó, mục đích chính của bác sĩ là chẩn đoán loại trừ nguy cơ bị ung thư ở bệnh nhân. Do đó, trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số hoạt động và xét nghiệm như:
- Khám lâm sàng: để dễ dàng quan sát và đánh giá sự chuyển động của tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nuốt trong quá trình khám.
- Tiến hành kiểm tra một vài triệu chứng hoặc dấu hiệu của tình trạng cường giáp và suy giáp.
- Xét nghiệm chức năng của tuyến giáp: một số xét nghiệm có tác dụng đo hàm lượng hormone TSH trong máu có thể giúp bác sĩ phát hiện bệnh nhân có bị suy giáp hoặc cường giáp không.
- Siêu âm: đây là phương pháp xét nghiệm hình ảnh dựa trên tần số của sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh thực của tuyến giáp nằm bên trong. Sau khi thực hiện siêu âm tuyến giáp, bác sĩ sẽ nhận được những đặc điểm rõ rệt, bao gồm cấu trúc và hình dạng (của cả nhân tuyến giáp).
- Chọc hút tế bào tuyến giáp: dùng kim nhỏ đưa vào khối u để hút dịch hoặc tế bào, sau đó tiến hành xét nghiệm.
- Xạ hình tuyến giáp: với mục đích đánh giá tình trạng của các nhân tuyến giáp bên trong. Với xét nghiệm này, cơ thể bệnh nhân có thể tiếp nhận một số đồng vị phóng xạ từ iod.
Với những chia sẻ từ bài viết, chắc hẳn các bạn đọc cũng đã thấy được mức độ nghiêm trọng của bệnh bướu giáp nhân cũng như những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý này. Bên cạnh đó, mọi người cũng đừng quên tìm hiểu về những triệu chứng của bệnh để dễ dàng nhận biết và điều trị sớm.