Xét nghiệm tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp là hai phương pháp hiệu quả nhất để kiểm tra chức năng tuyến giáp và  phát hiện những hình ảnh bất thường trên siêu âm giúp phát hiện bệnh lý bất thường của tuyến giáp. Bài viết này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu  xét nghiệm tuyến giáp nên được thực hiện khi nào và cần lưu ý điều gì? Dưới đây là các thông tin hữu ích về xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Vai trò của tuyến giáp trong cơ thể

Tuyến giáp là tuyến nội tiết đơn nằm ở phía dưới trước cổ, trước khí quản của cơ thể chúng ta.  Trọng lượng khoảng 20-30 gram, cấu tạo gồm hai thùy phải và trái nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Có chức năng chính là bài tiết các hormon T3 và T4. đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết chức năng của cơ thể con người. Quá nhiều hormon sẽ gây cường giáp, quá ít hormon sẽ gây suy giáp. Tác dụng của hormone tuyến giáp bao gồm:

  • Tham gia quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể, giúp cân bằng lượng năng lượng tiêu thụ và sản xuất của cơ thể, giúp duy trì sự hoạt động của các tế bào và cơ quan.
  • Tác động đến hệ thống não bộ và thần kinh, góp phần vào sự phát triển và chức năng của não bộ.
  • Tác dụng đến hệ tuần hoàn, giúp điều chỉnh tốc độ tim đập và áp lực máu.
  • Tác động đến hệ hô hấp, giúp điều chỉnh tốc độ hô hấp và sự tiêu thụ oxy.
  • Tác động đến hệ bài tiết, giúp điều chỉnh sự sản xuất và tiết ra các hormone khác của cơ thể.
  • Tác dụng trên chức năng sinh dục, ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của tinh trùng, buồng trứng và hormone sinh dục khác.

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm tuyến giáp?

Việc thực hiện xét nghiệm tuyến giáp là một phần quan trọng trong chuỗi chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp bao gồm: nhân tuyến giáp, viêm tuyến giáp và rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp, suy giáp),… Các triệu chứng của các bệnh này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Xét nghiệm tuyến giáp bao gồm các chỉ số như nồng độ hormone tuyến giáp trong máu, khả năng hấp thụ i-ốt của tuyến giáp, hoặc kích thước và hình dạng của tuyến giáp bằng siêu âm. Kết quả của xét nghiệm này cung cấp thông tin quan trọng để chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện xét nghiệm phải được căn cứ vào các triệu chứng cụ thể của bệnh nhân, tiền sử bệnh và kết quả khám lâm sàng. Do đó, việc lựa chọn xét nghiệm tuyến giáp cần phải được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết, giúp đưa chẩn đoán chính xác và kịp thời, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh.

Theo chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi khám tuyến giáp định kỳ 06 -12 tháng/lần. Đặc biệt, khi thấy bản thân có các biểu hiện như như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng, cổ to lên, mạch và tim đập nhanh, run tay, gầy sút cân…, bệnh nhân nên đi xét nghiệm tuyến giáp càng sớm càng tốt.

Các xét nghiệm tuyến giáp thường được chỉ định

Trên thực tế, sau khi tiến hành khám lâm sàng tuyến giáp, bác sĩ sẽ dựa các trên triệu chứng khác nhau của bệnh nhân để đưa ra chỉ định  xét nghiệm phù hợp với nhận định chẩn đoán ban đầu. Các xét nghiệm tuyến giáp thường được chỉ định bao gồm siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm máu đánh giá chức năng tuyến giáp.

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn được sử dụng để đánh giá kích thước, hình dạng và cấu trúc của tuyến giáp.Khi thực hiện siêu âm tuyến giáp, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm đặt trên da vùng cổ để thăm dò và đánh giá  tuyến giáp .

Khi siêu âm  nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, chẳng hạn như sự mở rộng của tuyến giáp hoặc sự xuất hiện của các khối u, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm bổ sung để xác định chính xác bệnh lý của tuyến giáp.

Đây là một phương pháp chẩn đoán an toàn và không xâm lấn. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm không thể thay thế cho các phương pháp chẩn đoán khác, chẳng hạn như  xét nghiệm chức năng tuyến giáp và một số thăm dò khác.

Xét nghiệm máu

Trong các thăm dò về tuyến giáp thì  xét nghiệm máu cung cấp thông tin các chỉ số về nồng độ TSH và các hormone tuyến giáp T4, T3 để đánh giá các chức năng tuyến giáp.

Xét nghiệm TSH được xem là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chức năng tuyến giáp. Nếu nồng độ TSH thấp hơn mức giới hạn bình thường, đây là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp tăng hoạt động hoặc tăng sản xuất hormone. Ngược lại, nếu nồng độ TSH cao hơn mức  giới hạn bình thường thì đây là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp suy giảm hoạt động hoặc giảm sản xuất hormone. Bên cạnh đó, xét nghiệm nồng độ T4 và FT3; FT4  cho phép đánh giá hoạt động của tuyến giáp và đưa ra chẩn đoán bệnh.

Trong một số trường hợp bệnh nhân phát hiện suy giáp hoặc cường giáp nghi do nguyên nhân tự miễn, các xét nghiệm anti- TPO và xét nghiệm TRAb sẽ được chỉ định phù hợp theo chẩn đoán bệnh.

Những lưu ý khi xét nghiệm tuyến giáp

Để xét nghiệm tuyến giáp trả về kết quả chính xác, người bệnh cần chú ý đến một số điểm sau:

  • Không sử dụng các loại chất kích thích và đồ uống có cồn như bia, rượu, thuốc lá trước khi làm xét nghiệm.
  • Thông báo cho bác sĩ của mình về bất kỳ thuốc hay bổ sung dinh dưỡng nào mà người bệnh đang sử dụng tính đến thời điểm làm xét nghiệm.
  • Người bệnh nên hiểu rõ về quy trình xét nghiệm và các bước tiếp theo. Nếu kết quả xét nghiệm của mình bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
  • Cuối cùng, người bệnh cần hiểu rõ về tầm quan trọng của kết quả xét nghiệm tuyến giáp và tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định điều trị phù hợp dựa trên kết quả này.