Ung thư tuyến giáp là u ác tính phát triển từ tế bào biểu mô tuyến giáp. Hầu hết ung thư biểu mô tuyến giáp tiến triển chậm hơn so với các loại ung thư khác, tỷ lệ chữa khỏi cao và thời gian sống thêm tốt hơn nhiều loại ung thư của cơ quan khác.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp được chia thành nhiều loại khác nhau về hình thái, mức độ xâm lấn và biểu hiện gen. Bốn nhóm ung thư biểu mô tuyến giáp được phân loại dựa trên đặc điểm mô bệnh học bao gồm: ung thư biểu mô thể nhú, ung thư biểu mô thể nang, thể tủy và thể không biệt hóa. Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, thể nang và thể không biệt hóa có nguồn gốc từ tế bào nang giáp. Trong khi đó, ung thư thể tủy bắt nguồn từ tế bào cận nang.

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Khoảng 80-85% ung thư tuyến giáp là ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú. Đứng thứ 2 là ung thư tuyến giáp thể nang với 10-15%. Ung thư tuyến giáp thể nang và thể nhú là những ung thư tuyến giáp biệt hóa cao. Ung thư tuyến giáp thể tủy chiếm 3-4% tất cả các trường hợp ung thư tuyến giáp, chúng thường có tính di truyền. Ung thư thể mất biệt hóa có tỷ lệ 1-2%.

Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng trong những thập kỷ qua, trong đó tăng chủ yếu tỷ lệ ung thư tuyến giáp thể nhú. Tỷ lệ mắc bệnh của nữ cao gấp 3 lần nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 10.000 ca mắc mới, theo thống kê năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp của Việt Nam là 16,5 trên 100.000 dân.

Trong bốn nhóm ung thư tuyến giáp, ung thư thể nhú có tiên lượng tốt nhất. Tỷ lệ sống thêm 5 năm là 96%, tỷ lệ sống thêm 10 năm là 93% và có hơn 90% trường hợp sống thêm 20 năm. Trong nhiều nghiên cứu dài hạn với số lượng lớn bệnh nhân, tỷ lệ tử vong vì ung thư tuyến giáp chỉ khoảng 1-6%. Tỷ lệ sống thêm 10 năm khi bệnh ở giai đoạn I là 99,8%, và ở giai đoạn IV là 41%.

Các yếu tố nguy cơ tiên lượng bệnh xấu hơn bao gồm tuổi của bệnh nhân ở thời điểm chẩn đoán (> 40-45 tuổi), kích thước u > 3-4 cm, u ở giai đoạn muộn, và tình trạng di căn xa. Vì vậy, mặc dù nguy hiểm nhưng so với những ung thư của cơ quan khác, đa số ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật và điều trị bằng iod phóng xạ thường có hiệu quả với hầu hết ung thư tuyến giáp biệt hóa cao. Tuy nhiên, thể kém biệt hóa và mất biệt hóa là thách thức với các nhà lâm sàng vì tăng tỷ lệ tử vong và không đáp ứng với liệu pháp iod phóng xạ cũng như hầu hết các thuốc hóa trị liệu thông thường. Một số chất ức chế kinase là liệu pháp nhắm trúng đích đầy hứa hẹn cho những thể bệnh này.

Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến những loại thuốc này đã cung cấp kết quả gây tranh cãi và việc sử dụng lâm sàng của chúng vẫn đang được tranh luận. Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tuỷ cũng có thể kháng trị với các liệu pháp thông thường và các chất ức chế kinase mới cũng có thể hữu ích để kiểm soát sự tiến triển của khối u ở một số bệnh nhân nhất định.

Điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa cao

  • Phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật cắt tuyến giáp là lựa chọn hàng đầu trong điều trị ung thư tuyến giáp

Đối với ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang xâm lấn rộng hoặc có xâm nhập mạch, nên cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Nạo vét hạch bạch huyết được khuyến khích nếu di căn hạch có thể được phát hiện trước hoặc trong khi phẫu thuật bằng cách kiểm trsiêu âm và/hoặc sờ nắn. Ung thư thể nang xâm lấn tối thiểu đơn độc mà không xâm lấn mạch máu không cần can thiệp phẫu thuật lần thứ hai khi chẩn đoán giải phẫu bệnh sau mổ nếu khối u đã được cắt bỏ hoàn toàn. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và nạo vét hạch trung tâm được khuyến cáo cho các biến thể tiên lượng không thuận lợi.

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Đối với tất cả ung thư tuyến giáp thể nhú có kích thước > 1 cm và/ hoặc đã di căn trên lâm sàng thì đều được khuyến nghị cắt bỏ tuyến giáp. Nếu di căn hạch được phát hiện qua siêu âm hoặc trong khi phẫu thuật thì nên nạo vét để tránh nguy cơ tái phát tại chỗ. Với những trường hợp u có kích thước u ≤ 1 cm và giới hạn trong tuyến giáp thì chỉ cần cắt thùy tuyến giáp.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA), phẫu thuật cắt tuyến giáp nên là lựa chọn đầu tiên trong điều trị ung thư tuyến giáp. Sự liên quan đến di căn hạch bạch huyết rất phổ biến ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa cao. Trong lần phẫu thuật đầu tiên, di căn hạch bạch huyết được phát hiện ở 22-90% bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú. Trong khi đó tỷ lệ di căn hạch ở ung thư thể nang thấp hơn, chiếm 2%.

  • Liệu pháp iod phóng xạ

Liệu pháp iod phóng xạ được sử dụng cách đây hơn 60 năm, hiệu quả với những bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa cao có nguy cơ tái phát cao. Ở những bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa cao có nguy thấp, tác dụng của liệu pháp iod phóng xạ đối với tổng thời gian sống và thời gian sống không u chưa được chứng minh.

Liệu pháp iod phóng xạ sử dụng I-131 để chiếu xạ các phần còn lại của tuyến sau sau cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần, hoặc ung thư tuyến giáp biệt hóa cao không thể phẫu thuật. Các dấu hiệu phải theo dõi trong quá trình điều trị bao gồm thyroglobulin huyết thanh mà xạ hình I-131 toàn thân. Điều này hữu ích trong việc phát hiện tái phát tại chỗ hoặc di căn xa ở giai đoạn sớm và có khả năng chữa khỏi để giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Liệu pháp iod phóng xạ được chỉ định trong các trường hợp ung thư tuyến giáp biệt hóa cao: u ở giai đoạn pT3, pT4, tình trạng di căn hạch N1, và mọi trường hợp di căn xa; hoặc những ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp: pT1b, pT2, cN0, pN0 và M1 và vi ung thư biểu mô nhú (nguy cơ rất thấp) nếu có yếu tố rủi ro. Hơn nữa, iod phóng xạ có thể được sử dụng để điều trị tàn dư khối u dương tính với iod phóng xạ, hạch bạch huyết và di căn xa với mục đích chữa bệnh hoặc giảm nhẹ. 

Trong trường hợp hoạt động của khối u được thể hiện bằng mức thyroglobulin trong huyết thanh ngày càng tăng mà không phát hiện được khối u trên lâm sàng và xét nghiệm, liệu pháp iod phóng xạ có thể được thực hiện sau khi cân nhắc cẩn thận rủi ro và lợi ích.

Chống chỉ định tuyệt đối của liệu pháp này là mang thai và cho con bú. Chống chỉ định tương đối bao gồm ức chế tủy xương (đặc biệt nếu có kế hoạch sử dụng I-131 có hoạt tính cao), hạn chế chức năng tuyến nước bọt, hạn chế chức năng phổi (nếu có thể tích lũy I-131 cao trong di căn phổi) và di căn có triệu chứng của hệ thần kinh trung ương, vì phù nề và viêm cục bộ do iod phóng xạ và suy giáp có thể dẫn đến tác động chèn ép nghiêm trọng.

Mặc dù liệu pháp iod phóng xạ nhìn chung được dung nạp tốt nhưng thủ thuật này có một số tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn tiềm ẩn. Tác dụng phụ nhắn hạn bao gồm: viêm tuyến giáp do chiếu xạ, sưng khối u hoặc di căn, viêm dạ dày, buồn nôn, viêm tuyến nước bọt và các bất thường về vị giác và khứu giác, suy tủy xương và giảm tinh trùng.

Rủi ro lâu dài và tác dụng phụ bao gồm ức chế tủy xương vĩnh viễn, bệnh ác tính nguyên phát thứ hai sau chiếu xạ với mức độ hoạt động tích lũy cao (bệnh bạch cầu và khối u đặc), viêm tuyến nước bọt mạn tính (bao gồm bất thường về vị giác và khứu giác, khô miệng) và xơ phổi (ở những bệnh nhân di căn phổi). Do nguy cơ giảm tinh trùng mạn tính hoặc vô tinh, nên cân nhắc việc lưu trữ tinh trùng nếu dự kiến có hoạt động tích lũy cao.

  • Liệu pháp hormon

Levothyroxine là hormon thay thế được chỉ định cho những bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp để điều trị ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, liệu pháp hormon còn có vai trò phòng ngừa tái phát ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang.

Chức năng tuyến giáp nên được kiểm tra sau 6 đến 8 tuần. Các yếu tố liên quan đến từng bệnh nhân như loãng xương, các bệnh lý tim mạch như rung tâm nhĩ phải luôn được chú ý trong quá trình điều trị bằng hormon tuyến giáp và cân nhắc nguy cơ tái phát. Đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi > 60 tuổi, việc sử dụng liệu pháp hormon cần được cân nhắc cẩn thận vì nguy cơ biến chứng.

Điều trị ung thư tuyến giáp không biệt hóa

Ung thư tuyến giáp không biệt hóa là một khối u hiếm gặp, không biệt hóa của biểu mô nang giáp và là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất của người, chỉ chiếm 1-2% tất cả các bệnh ung thư tuyến giáp. Thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân khoảng 6 tháng từ thời điểm chẩn đoán, và tỷ lệ tử vong do bệnh gần 100%.

Phẫu thuật là lựa chọn ưu tiên hàng đầu đối với thể ung thư này. Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ triệt để với các khối u có thẻ cắt bỏ, cắt bỏ giảm nhẹ làm giảm khối u hay phẫu thuật sinh thiết chỉ dành cho những trường hợp không thể cắt bỏ được. Với những khối u nhỏ được phát hiện tình cờ có thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn. Những bệnh nhân này cho thấy thời gian sống thêm đáng kể sau hóa trị và xạ trị bổ trợ.

Vì tốc độ tiến triển nhanh nên ung thư tuyến giáp mất biệt hóa có rất ít lựa chọn điều trị. Thuốc ức chế tyrosine kinase như vandetanib, sorafenib và lenvatinib là một cách tiếp cận tương đối mới với liệu pháp toàn thân trong những trường hợp này.

Điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy

Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy là một khối u thần kinh nội tiết hiếm gặp có nguồn gốc từ tế bào cạnh nang. Vì vậy những phương pháp chẩn đoán và điều trị khác hoàn toàn với ung thư tuyến giáp biệt hóa cao. Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy tiến triển cục bộ mà không có di căn xa trên lâm sàng, phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ trung tâm là ưu tiên hàng đầu. Với những bệnh nhân đã có di căn xa, phẫu thuật giảm nhẹ cũng được lựa chọn điều trị.

Trong trường hợp khối u không thể cắt bỏ, các thuốc ức chế kinase nên được xem xét sử dụng vì giúp ổn định bệnh và tăng thời gian sống thêm.

Những lưu ý với người bệnh

Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên hầu hết các ung thư tuyến giáp phát triển thầm lặng mà không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp hầu như trong giới hạn bình thường. Các nhân tuyến giáp được phát hiện bằng siêu âm chiếm tỷ lệ 68%. Chúng thường được phát hiện tình cờ, vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng đối với mọi người.

Sau khi siêu âm tuyến giáp phát hiện khối, bước tiếp theo là đo nồng độ tuyến giáp. Nếu mức độ thấp, cần tiến hành xạ hình tuyến giáp. Các nốt không hoạt động ở bệnh nhân có nồng độ hormon kích thích tuyến giáp bình thường hoặc cao cần được đánh giá kỹ siêu âm để tiến hành chọc hút. Chọc hút tuyến giáp được chỉ định nếu các nốt có hình ảnh nghi ngờ và các nốt giảm âm có kích thước lớn hơn 1cm. Với những nhân có kích thước nhỏ hơn 1cm, tiến hành theo dõi trên siêu âm từ 3-6 tháng, nếu có biến đổi nghi ngờ mới tiến hành chọc hút. Trong trường hợp các u này không thay đổi trên hình ảnh siêu âm thì theo dõi mỗi năm 1 lần.

Nếu bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng sau đây thì cần được đến bác sĩ để thăm khám kịp thời:

  • Xuất hiện khối vùng cổ, có thể phát triển nhanh chóng
  • Cổ sưng to
  • Đau phía trước cổ
  • Khàn tiếng hoặc giọng nói bị thay đổi
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Ho liên tục mà không phải do bệnh lý phổi

Hiện nay Phòng Khám Đa Khoa VIP12 cung cấp đầy đủ các dịch vụ thăm khám, xét nghiệm máu, siêu âm, chọc hút tế bào tuyến giáp…Quý khách hàng quan tâm có thể đến thăm khám, tầm soát bệnh lý ung thư tuyến giáp. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn sức khỏe, quý khách hàng có thể liên hệ với phòng khám qua số hotline: 𝟬𝟵𝟯𝟯 𝟴𝟵𝟴 𝟱𝟱𝟴 để nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất.