Tuyến giáp là một cơ quan thuộc hệ nội tiết, nó sản xuất ra 2 hormone chính là T3 và T4 có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa… cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm…Khi bị viêm tuyến giáp mạn tính (viêm tuyến giáp Hashimoto) thường dẫn đến hậu quả là tuyến giáp bị tổn thương dần dần, khả năng sản xuất hormone giáp bị giảm gây suy giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm mạn tính tự miễn của tuyến giáp với thâm nhiễm của tế bào lympho gây suy giáp mạn tính. Bệnh được đặt theo tên của tiến sĩ Hakaru Hashimoto – người đã tìm ra bệnh năm 1912. Các tên khác của bệnh viêm giáp Hashimoto bao gồm: viêm tuyến giáp tự miễn mạn tính hay viêm giáp lympho bào mạn tính.

Triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto?

Viêm tuyến giáp Hashimoto thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, tiến triển dần đến suy giáp. Khi đó bệnh nhân mới thấy có triệu chứng bất thường và chủ yếu là triệu chứng của suy giáp. Các triệu chứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ suy giáp.

Khi bệnh tiến triển đôi khi người bệnh phàn nàn tuyến giáp to lên  gây tình trạng bướu cổ, không đau nhưng tạo ra căng tức ở dưới cổ. Khám thấy một bướu giáp to không mềm mại, lan tỏa hoặc có nốt, cứng  và chắc hơn tuyến giáp bình thường. Nhưng cũng có nhiều trường hợn tuyến giáp thể teo nhỏ nên khi khám tuyến giáp sẽ không phát hiện được gì đặc biệt.

Nếu bệnh Hashimoto dẫn đến suy giáp, sẽ gây ra các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi, uể oải và ngủ li bì.
  • Nhịp tim chậm hơn bình thường
  • Sợ lạnh
  • Táo bón nặng
  • Da khô, vàng sáp. Tóc khô dễ gãy; tóc mọc chậm hoặc rụng
  • Mắt và mặt sưng phù tròn
  • Giọng khàn
  • Tăng cân  bất thường
  • Đau cơ, cứng cơ nhất là cơ vai và đùi kèm theo yếu cơ, nhất là cơ chi dưới
  • Rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh
  • Trầm cảm, buồn ngủ, bệnh nhân hay quên, trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp… có thể nhầm lẫn với bệnh tâm thần.

Một số bệnh nhân, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, có thể bị hôn mê do suy giáp (rất nặng). Cũng có những bệnh nhân được phát hiện bệnh tình cờ khi làm xét nghiệm thấy có mỡ máu cao, điều trị kém hiệu quả. Lúc đó thầy thuốc mới đi tìm nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu và phát hiện suy giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto gây biến chứng gì?

  • Nếu không điều trị, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh và gây biến chứng như:  rối loạn lipid máu,  nhịp tim chậm, tràn dịch màng tim, suy tim,  tâm thần kinh, hôn mê phù niêm và có thể gây vô sinh.
  • Ở những bà mẹ mắc bệnh Hashimoto mà không được điều trị có thể gây ra những vấn đề khi mang thai như: thiếu máu, , sảy thai tự nhiên, thai chết lưu,  làm tăng nguy cơ THA, tiền sản giật vào cuối thai kỳ, sinh non, chảy máu sau đẻ,  cân nặng con lúc sinh thấp. Ảnh hưởng đến sự phát triển và trí não của thai nhi.

Điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto?

  • Phương hướng điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto phụ thuộc bệnh nhân đã có suy giáp hay chưa. Nếu không có bằng chứng của thiếu hụt hormon giáp thì bệnh nhân không cần điều trị gì nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp.
  • Những bệnh nhân có thiếu hụt hormone (có suy giáp) sẽ được điều trị thay thế bằng hormon giáp tổng hợp, thuốc có cấu trúc và tác dụng giống hệt hormon tự nhiên do tuyến giáp sản xuất ra.
  • Thường sau khi điều trị một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ thấy đỡ mệt nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm (T4, TSH, cholesterol…) về bình thường thì phải mất 3 - 6 tháng.
  • Điều chỉnh liều thuốc: Một khi đã bị suy giáp, các bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto cần điều trị hormone thay thế suốt đời.
  • Để đảm bảo liều thuốc có tác dụng thì bệnh nhân cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hàng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp và sau đó là hàng năm. Dùng liều thuốc thyroxin cao hoặc thấp quá đều không tốt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Thường các bệnh nhân bắt đầu dùng liều thấp rồi tăng dần dựa trên kết quả xét nghiệm. Mục tiêu và cũng là chỉ số điều chỉnh liều thyroxin là TSH máu, tốt nhất là ở mức 0,5 - 2,5 U/l.

Bệnh viêm giáp Hashimoto có thể chữa khỏi được không ?

Bệnh viêm giáp Hashimoto không thể chữa khỏi, nhưng duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết có tác dụng kiểm soát bệnh suy giáp và nồng độ hormone tuyến giáp, giúp người bệnh có cuộc sống như bình thường.