Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng được gây ra do các tổn thương viêm loét ở niêm mạc dạ dày và tá tràng, kèm triệu chứng thường gặp là đau thượng vị. Viêm loét dạ dày tá tràng tuy có thể chữa khỏi hoàn toàn, song trường hợp bệnh tái phát nhiều lần hoặc phát triển thành mạn tính dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.

Bệnh viêm loét ạ dày - tá tràng là gì?

Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh tiêu hóa xuất hiện khi dạ dày tá tràng bị viêm, loét. Vết loét hình thành ở dạ dày hoặc phần đầu của ruột non (tá tràng). Thông thường, một lớp chất nhầy dày bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của dịch tiêu hóa. Nhưng nhiều nguyên nhân có thể làm giảm lớp bảo vệ này, tạo điều kiện cho axit dạ dày làm tổn thương mô.

Nguy cơ gây viêm loét dạ dày - tá tràng

Cứ 10 người thì có một người bị loét. Các yếu tố nguy cơ khiến viêm loét dễ xảy ra hơn bao gồm:

➢   Thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), một nhóm thuốc giảm đau phổ biến bao gồm ibuprofen (Advil® hoặc Motrin®).

➢   Tiền sử gia đình bị viêm loét dạ dày - tá tràng

➢   Tiền sử bệnh gan, thận hoặc phổi.

➢   Thường xuyên uống rượu.

➢   Hút thuốc.

 

Nguyên nhân gây Viêm loét dạ dày - Tá tràng

Các nghiên cứu đã tiết lộ hai nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày - tá tràng:

➢   Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)

H. pylori thường lây nhiễm vào dạ dày. Khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm H. pylori và thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Các nhà nghiên cứu tin rằng mọi người có thể truyền H. pylori từ người này sang người khác, đặc biệt là trong thời thơ ấu. Vi khuẩn H. pylori bám vào lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa và gây viêm (kích ứng), có thể khiến lớp màng bảo vệ này bị phá huỷ. Sự phá huỷ này là một vấn đề vì dạ dày chứa axit mạnh nhằm mục đích tiêu hóa thức ăn. Nếu không có lớp chất nhầy bảo vệ, axit có thể ăn vào mô dạ dày. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, sự hiện diện của H. pylori không có tác động tiêu cực. Chỉ có 10% đến 15% số người nhiễm H.pylori bị viêm loét dạ dày - tá tràng.

➢   Thuốc giảm đau NSAID

Một nguyên nhân chính khác gây ra bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là việc sử dụng NSAID, một nhóm thuốc dùng để giảm đau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng loại thuốc kháng viêm này sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc phải những bệnh về đường tiêu hóa và viêm loét dạ dày - tá tràng. Hiệp hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ đã công bố rằng, thuốc NSAID gây loét dạ dày - tá tràng bằng cách làm gián đoạn khả năng tự bảo vệ của dạ dày và tá tràng khỏi acid bên trong dạ dày. Nguy hiểm hơn, NSAID còn là tác nhân cản trở quá trình lành loét, ảnh hưởng xấu đến các vết loét chảy máu ở dạ dày. Những loại thuốc có khả năng gây viêm loét dạ dày tá tràng như:

●  Aspirin

●  Naproxen (Aleve®, Anaprox®, Naprosyn® và các loại khác).

●  Ibuprofen (Motrin®, Advil®, Midol® và các loại khác).

●  Thuốc NSAID theo toa (Celebrex®, Cambia® và các loại khác).

Không phải ai dùng NSAID cũng sẽ bị viêm loét. Việc sử dụng NSAID kết hợp với nhiễm H. pylori có thể là nguy hiểm nhất. Những người nhiễm H. pylori và những người thường xuyên sử dụng NSAID có nhiều khả năng bị tổn thương lớp chất nhầy hơn và tổn thương của họ có thể nghiêm trọng hơn.

Viêm loét dạ dày - tá tràng do sử dụng NSAID cũng tăng lên nếu:

●  Dùng NSAID liều cao.

●  Từ 70 tuổi trở lên.

●  Là nữ.

●  Sử dụng corticosteroid (bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh hen suyễn, viêm khớp hoặc lupus) cùng lúc với việc dùng NSAID.

●  Sử dụng NSAIDS liên tục trong thời gian dài.

●  Có tiền sử bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.

➢   Nguyên nhân hiếm gặp khác

●  Do nhiễm trùng

●  Do phẫu thuật.

●  Dùng các loại thuốc khác, chẳng hạn như steroid.

●  Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng cũng có thể xảy ra nếu bạn mắc một tình trạng hiếm gặp gọi là hội chứng Zollinger-Ellison (gastrinoma). Tình trạng này tạo thành khối u của các tế bào sản xuất axit trong đường tiêu hóa. Những khối u này có thể là ung thư hoặc không phải ung thư. Các tế bào sản xuất ra lượng axit quá mức làm tổn thương mô dạ dày.

Triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng

Một số người bị viêm loét dạ dày có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng những triệu chứng của viêm loét dạ dày tá có thể bao gồm:

➢   Xuất hiện các cơn đau thượng vị (Đau nhức hoặc rát ở vùng bụng giữa hoặc trên)

➢   Đau nhói hoặc đau rát thượng vị 2 đến 5 tiếng sau ăn, khi bụng đói hoặc về đêm

➢   Cơn đau tạm thời biến mất nếu bạn ăn thứ gì đó hoặc uống thuốc kháng axit.

➢   Đầy hơi.

➢   Ợ nóng.

➢   Buồn nôn hoặc nôn mửa.

Trong trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng có thể bao gồm:

➢   Phân sẫm màu hoặc đen (do chảy máu).

➢   Nôn mửa, nôn ra máu

➢   Giảm cân đột ngột, không lý do

➢   Đau thượng vị dữ dội

➢   Thiếu máu không rõ lý do

➢   Nuốt nghẹn kéo dài

➢   Sờ được khối u ở bụng

Người nghi bị viêm loét dạ dày tá tràng cần đi đến bác sĩ ngay lập tức để có những phương pháp điều trị đúng và kịp thời.

(CÒN TIẾP)