Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng được gây ra do các tổn thương viêm loét ở niêm mạc dạ dày và tá tràng, kèm triệu chứng thường gặp là đau thượng vị. Viêm loét dạ dày tá tràng tuy có thể chữa khỏi hoàn toàn, song trường hợp bệnh tái phát nhiều lần hoặc phát triển thành mạn tính dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.
Chẩn đoán và xét nghiệm
Bác sĩ có thể chẩn đoán chỉ bằng cách thăm khám lâm sàng. Nếu bạn bị viêm loét và không dùng NSAID, nguyên nhân có thể là do nhiễm H. pylori. Để chẩn đoán xác định, bạn sẽ cần một trong các cận lâm sàng sau:
➢ Nội soi
Nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị nội soi để xác định xem bạn có bị loét hay không. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một ống mềm có camera vào bên trong người bệnh nhân theo đường miệng, giúp phát hiện và chụp hình những tổn thương viêm loét. Ngoài ra, phương pháp nội soi tiêu hóa trên còn có thể thực hiện để sinh thiết và hỗ trợ điều trị trong trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày.
➢ Xét nghiệm tìm H. Pylori
Các xét nghiệm tìm H. pylori hiện được sử dụng rộng rãi và bác sĩ sẽ điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp để giảm triệu chứng và tiêu diệt vi khuẩn. Phương pháp kiểm tra HP bằng hơi thở là cách dễ nhất để phát hiện H. pylori. Phương pháp này thực hiện đơn giản hơn, bệnh nhân dễ dàng tiếp nhận hơn so với việc thực hiện nội soi. Mục đích của phương pháp này là để bác sĩ kiểm tra dạ dày, tá tràng bạn có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không bằng cách uống dung dịch có chứa urea 15 – 30 phút trước khi lấy mẫu hơi thở. Phương pháp này được cho là có kết quả chính xác và có thể dễ dàng sử dụng với mọi đối tượng. Phương pháp này cũng được dùng như một cách đánh giá hiệu quả điều trị tiệt trừ vi khuẩn H.pylori với bệnh nhân viêm loét - dạ dày tá tràng sau một thời gian điều trị. Bác sĩ cũng có thể phát hiện H.pylori bằng xét nghiệm máu hoặc phân, hoặc bằng cách lấy mẫu trong quá trình nội soi.
➢ X-Quang/ CT Scan
Ít phổ biến hơn, các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang và chụp CT được sử dụng để phát hiện vết loét. Ở phương pháp này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu uống chất cản quang barit trước khi chụp hình. Chất barit này sẽ giúp các bác sĩ xác định được các vết loét ở niêm mạc dạ dày và chẩn đoán tình trạng bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này ít được sử dụng rộng rãi hơn so với phương pháp nội soi tiêu hóa trên vì khả năng phát hiện thương tổn kém hơn và không thể giúp sinh thiết hay hỗ trợ điều trị cầm máu.
Vết loét có tự lành không?
Mặc dù vết loét đôi khi có thể tự lành nhưng không nên bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Nếu không được điều trị đúng cách, vết loét có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
➢ Thủng dạ dày: gây ra những con đau thượng vị dữ dội, người bệnh có triệu chứng đau bụng đột ngột dữ dội, bụng gồng cứng,
➢ Xuất huyết tiêu hóa: Người bệnh sẽ có hiện tượng ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen và/hoặc lẫn máu tươi.
➢ Hẹp môn vị dạ dày: Đây là tình trạng dạ dày bị hẹp lối ra gây ra sự tắc nghẽn lưu thông thức ăn và dịch dạ dày. Nói cách khác, thức ăn sẽ bị ứ đọng tại dạ dày trong thời gian dài và rất khó di chuyển xuống ruột.
Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
Việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng sẽ phụ thuộc vào tình trạng viêm loét, giai đoạn phát bệnh của bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ xét qua bệnh sử của bệnh nhân để có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
➢ Nội soi:
Nếu vết loét của người bệnh bị chảy máu, bác sĩ có thể điều trị bằng phương pháp nội soi bằng cách tiêm thuốc vào vết loét. Bác sĩ cũng có thể sử dụng kẹp hoặc đốt điện (đốt mô) để bịt kín và cầm máu.
➢ Điều trị nội khoa:
● Thuốc kháng tiết acid: Bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc ức chế acid phổ biến là nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) có khả năng ngăn chặn acid mạnh. Lưu ý với phương pháp này, người bệnh thường cần ăn một bữa sau dùng thuốc 30 phút để kích hoạt thuốc hoạt động hiệu quả. PPI bao gồm Prilosec®, Prevcid®, Aciphex®, Protonix® và Nexium®.
● Thuốc ức chế thụ thể histamine (thuốc chẹn H2): Những loại thuốc này cũng làm giảm sản xuất axit và bao gồm Tagamet®, Pepcid®, Zantac® và Axid®.
● Thuốc kháng sinh: Những loại thuốc này tiêu diệt vi khuẩn H. pylori. Phương pháp này yêu cầu người bệnh cần hoàn thành đầy đủ liều và uống thuốc đúng thời điểm để quá trình điều trị đạt được kết quả tốt nhất.
● Thuốc băng niêm mạc: Giống như băng lỏng, thuốc băng niêm mạc che phủ vết loét bằng một lớp bảo vệ để ngăn ngừa tổn thương thêm từ axit tiêu hóa và enzyme. Lưu ý với phương pháp này, người bệnh thường cần uống 30 phút trước khi ăn.
Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa viêm loét dạ dày - tá tràng?
Bạn hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình khỏi viêm loét dạ dày - tá tràng bằng cách chủ động phòng ngừa bệnh, hạn chế tối đa các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ cao khiến bạn mắc bệnh. Bạn có thể ngăn ngừa viêm loét dạ dày tá tràng nếu:
➢ Tham vấn với bác sĩ về các lựa chọn thay thế thuốc NSAID (như acetaminophen) để giảm đau.
➢ Thảo luận các biện pháp bảo vệ dạ dày - tá tràng với bác sĩ nếu bạn không thể ngừng dùng NSAID.
➢ Chọn liều NSAID thấp nhất có hiệu quả và dùng trong bữa ăn.
➢ Hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP bằng cách vệ sinh tay thường xuyên và ăn những loại thực phẩm sạch, được nấu chín hoàn toàn
➢ Không uống rượu bia và hút thuốc lá
Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh tiêu hóa gây những cơn đau thượng vị khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn khái niệm đầy đủ về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mà bạn có thể tham khảo.
👨⚕️👩🏼⚕️: Để đặt lịch khám, vui lòng liên hệ 𝗛𝗼𝘁𝗹𝗶𝗻𝗲: 𝟭𝟴𝟬𝟬 𝟱𝟴𝟱𝟴𝟮𝟵/ 𝟬𝟵𝟯𝟯 𝟴𝟵𝟴 𝟱𝟱𝟴