1. Tổng quan

Ung thư dạ dày là một căn bệnh mà các tế bào ung thư hình thành trong niêm mạc của dạ dày.

Dạ dày là một cơ quan hình chữ J ở vùng bụng trên, là một phần của hệ tiêu hóa (chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống và đưa chất thải ra khỏi cơ thể). Thức ăn di chuyển từ họng đến dạ dày thông qua thực quản. Sau khi rời khỏi dạ dày, thức ăn (đã được tiêu hóa một phần) sẽ đi vào ruột non, sau đó là ruột già.

Thành dạ dày được cấu tạo bởi 5 lớp từ trong ra ngoài gồm: niêm mạc, dưới niêm mạc, cơ, mô liên kết dưới thanh mạc, thanh mạc. Ung thư dạ dày bắt đầu từ lớp niêm mạc sau đó lây lan dần ra các lớp ngoài.

U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) thường bắt đầu trong lớp mô liên kết dưới thanh mạc và được điều trị khác với ung thư dạ dày.

2. Yếu tố nguy cơ

Giới tính: Ung thư dạ dày thường gặp hơn ở nam giới.

Tuổi tác: nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng theo tuổi (độ tuổi phổ biến là từ 60 đến 80).

Tiền sử gia đình

Các bệnh lý:

Nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori)

  • Viêm dạ dày mạn tính

  • Thiếu máu ác tính

  • Chuyển sản ruột

  • Polyp dạ dày

  • Nhiễm Epstein-Barr virus (EBV)

  • Đa polyp tuyến gia đình (FAP)

Chế độ ăn uống:

  • Sử dụng hàm lượng muối cao trong thức ăn

  • Sử dụng thực phẩm chưa được chế biến và bảo quản đúng cách

  • Những thức ăn khô, thức ăn hun khói

  • Chế độ ăn ít rau xanh, trái cây

  • Uống rượu

  • Hút thuốc lá

3. Triệu chứng

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm (Early Gastric Cancer - EGC):

  • Khó tiêu, khó chịu ở dạ dày

  • Đầy bụng sau khi ăn

  • Buồn nôn

  • Mất cảm giác ngon miệng

  • Ợ nóng

Ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (Advanced stages Gastric Cancer):

  • Phân có máu

  • Nôn

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

  • Đau bụng vùng thượng vị

  • Vàng da, vàng mắt

  • Cổ trướng

  • Khó nuốt

4. Chẩn đoán

Khai thác: lý do vào viện, diễn biến bệnh, tiền sử (bệnh, dùng thuốc, dị ứng, gia đình), lối sống.

Thăm khám lâm sàng: là hoạt động thăm khám ban đầu giúp theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện bất thường (ví dụ khối u) thông qua quan sát, nghe, sờ, gõ… và chưa có can thiệp bằng xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh.

Huyết học: kiểm tra sự bất thường của số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hemoglobin, hematocrit…

Sinh hóa máu: kiểm tra sự bất thường của lượng các chất giải phóng từ các cơ quan và mô trong cơ thể vào máu (cao hơn hoặc thấp hơn).

EGD – Nội soi đường tiêu hóa trên: thường được bác sĩ chỉ định thực hiện nhất nếu bệnh nhân bị nghi ngờ ung thư dạ dày. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng một ống nội soi (một ống dài) linh hoạt có gắn đèn chiếu sáng và camera ở đầu ống. Ống nội soi này cho phép bác sĩ quan sát được lớp niêm mạc của thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong một số trường hợp, EGD có thể giúp loại bỏ các tế bào ung thư giai đoạn sớm.

Test nuốt Barium hay Upper gastrointestinal (GI) series: đây là một xét nghiệm X-quang để quan sát lớp niêm mạc của thực quản, dạ dày và tá tràng. Xét nghiệm này thường ít được sử dụng hơn nội soi đường tiêu hóa trên (EGD) vì có thể bỏ sót một số khu vực bất thường và không cho phép bác sĩ sinh thiết. Tuy nhiên, xét nghiệm này ít xâm lấn hơn nội soi nên có lợi trong một số trường hợp. Bệnh nhân sẽ được cho uống một dung dịch chứa Barium. Barium sẽ bao phủ lớp niêm mạc bên trong của thực quản, dạ dày và tá tràng. Sau đó, bệnh nhân được chụp X-quang. Tia X không thể chiếu xuyên qua Barium, nên những khu vực bất thường ở lớp niêm mạc có thể thấy được trên phim X-quang.

Sinh thiết: thường được thực hiện trong quá trình nội soi (EGD – Nội soi đường tiêu hóa trên). Bác sĩ lấy các mẫu mô bất thường (nếu có) bằng cách sử dụng các dụng cụ đưa qua ống nội soi. Các mẫu mô này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác định có tế bào ung thư hay không. Ngoài ra, sinh thiết còn thường thực hiện trong quá trình siêu âm nếu các tế bào bất thường nằm sâu trong thành tế bào, nội soi khó sinh thiết.

5. Các xét nghiệm xác định mức độ di căn

Siêu âm nội soi (EUS): được thực hiện bằng cách gắn một đầu dò siêu âm ở đầu ống nội soi. Đưa ống nội soi từ cổ họng vào dạ dày sau khi bệnh nhân được gây mê. Đầu dò siêu âm áp sát vào khối u, sóng siêu âm chuyển đổi thành hình ảnh. Bác sĩ dựa vào hình ảnh này để xác định mức độ di căn của khối u đến các khu vực lân cận hoặc các hạch bạch huyết.

Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT): sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết, mặt cắt của các mô mềm trong cơ thể. Thủ thuật này cho phép xác định được vị trí của khối u ở dạ dày cũng như ở các khu vực di căn như gan, các hạch bạch huyết lân cận. Từ đó, xác định sự xâm lấn của khối u với thành ống tiêu hóa, sự di căn vào các tạng, hạch trong ổ bụng.

PET/CT (Positron Emission Tomography/ Computer Tomography): là kỹ thuật chụp hình kết hợp của PET và CT. PET dựa trên nguyên lý sử dụng các thuốc phóng xạ (đồng vị phóng xạ phát bức xạ positron gắn với hợp chất đánh dấu) tập trung đặc hiệu vào cơ quan, tổ chức cần khảo sát theo cơ chế chuyển hóa, hoạt động chức năng và máy sẽ ghi nhận lại bức xạ phát ra từ cơ quan, tổ chức đó. PET/CT có giá trị trong phát hiện các tổn thương nguyên phát tại dạ dày, tổn thương xâm lấn, di căn hạch, di căn xa tới các tạng, di căn xương.  

Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng một nam châm và sóng vô tuyến tạo ra hình ảnh mặt cắt mô mềm của cơ thể. Chụp MRI cho phép xác định tổn thương u cũng như mức độ xâm lấn và di căn.

Nội soi ổ bụng: xác định chính xác tình trạng xâm lấn u vào các cơ quan lân cận, di căn gan, di căn phúc mạc. Giúp đánh giá chính xác giai đoạn, tránh được mở bụng thăm dò một số trường hợp bệnh lan rộng không phẫu thuật được.

6. Giai đoạn

Giai đoạn 0: ung thư biểu mô tại chỗ, u nội mô không có xâm nhập mô đệm, chưa có di căn.

Giai đoạn I:

  • Giai đoạn IA: u khu trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, chưa có di căn

  • Giai đoạn IB: u khú trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, di căn 1-2 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp cơ, chưa có di căn

Giai đoạn II:

  • Giai đoạn IIA: u khu trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm, di căn 3-6 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp cơ, di căn 1-2 hạch lympho vùng; hoặc u xâm nhập mô liên kết dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc hoặc cấu trúc lân cận, chưa có di căn

  • Giai đoạn IIB: u khu trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm, di căn 7-15 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp cơ, di căn 3-6 hạch lympho vùng; hoặc u xâm nhập mô liên kết dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc hoặc cấu trúc lân cận, di căn 1-2 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp thanh mạc, chưa có di căn

Giai đoạn III:

  • Giai đoạn IIIA: u xâm lấn lớp cơ, di căn 7-15 hạch lympho vùng; hoặc u xâm nhập mô liên kết dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc hoặc cấu trúc lân cận, di căn 3-6 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp thanh mạc, di căn 1-2 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn cấu trúc lân cận, chưa có di căn

  • Giai đoạn IIIB: khu trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm, di căn ≥16 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp cơ, di căn ≥16 hạch lympho vùng; hoặc u xâm nhập mô liên kết dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc hoặc cấu trúc lân cận, di căn 7-15 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp thanh mạc, di căn 7-15 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn cấu trúc lân cận, di căn 1-2 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn cấu trúc lân cận, di căn 3-6 hạch lympho vùng

  • Giai đoạn IIIC: u xâm nhập mô liên kết dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc hoặc cấu trúc lân cận, di căn ≥16 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn lớp thanh mạc, di căn ≥16 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn cấu trúc lân cận, di căn 7-15 hạch lympho vùng; hoặc u xâm lấn cấu trúc lân cận, di căn ≥16 hạch lympho vùng

Giai đoạn IV: có di căn xa

7. Điều trị

Phẫu thuật: là phương pháp đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong điều trị ung thư dạ dày. Phẫu thuật có vai trò điều trị triệt căn trong giai đoạn sớm, là phương pháp chính trong giai đoạn còn phẫu thuật và là biện pháp điều trị triệu chứng ở giai đoạn muộn. Tùy vào mức độ xâm lấn của tác tế bào ung thư mà cắt một phần hay toàn bộ dạ dày.

Nội soi cắt bỏ niêm mạc: là một thủ thuật sử dụng ống nội soi để loại bỏ các khối u giai đoạn sớm và các khối tiền ung thư khỏi niêm mạc của đường tiêu hóa mà không cần phẫu thuật.

Hóa trị: sử dụng hóa chất gây độc tế bào giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u, có thể dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Cách thức hóa trị được thực hiện tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư. Hóa trị trong phúc mạc (IP) và hóa trị trong phúc mạc nhiệt độ cao (HIPEC) đang được nghiên cứu để điều trị ung thư dạ dày.

Xạ trị: sử dụng những hạt năng lượng cao hoặc các sóng như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Ở ung thư dạ dày, xạ trị đơn thuần chủ yếu điều trị triệu chứng như hẹp môn vị, chảy máu…

Hóa – xạ kết hợp: sử dụng trong điều trị bổ trợ hoặc tân bổ trợ. Hóa – xạ trị đồng thời bổ trợ sau mổ phối hợp với 5-FU (fluorouracil) được khuyến cáo cho những người bệnh giai đoạn từ IB trở đi. Phương pháp này còn được chỉ định cho các ung thư dạ dày tại chỗ không cắt bỏ được hoặc thể trạng người bệnh không cho phép phẫu thuật.

Liệu pháp nhắm đích: sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Liệu pháp này thường ít gây hại cho các tế bào bình thường hơn so với liệu pháp hóa trị hoặc xạ trị. Các kháng thể đơn dòng (trastuzumab) và chất ức chế multi-kinase (regorafenib và ramucirumab) là các liệu pháp nhắm đích được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày.

Liệu pháp miễn dịch: là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại và làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Các chất ức chế PD-1 (pembrolizumab và nivolumab) được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày.

Tài liệu tham khảo

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày. BYT, 2020.

2. cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-treatment-pdq. Updated April 6, 2022. Accessed June 27, 2022.

3. cancer.org/cancer/stomach-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html. Updated January 22, 2021. Accessed June 27, 2022.

4. cancer.org/cancer/stomach-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html. Updated January 22, 2021. Accessed June 27, 2022.